Nội dung
Con người tự chữa lành trong suy nghĩ
Đi qua hoa cúc của Nguyễn Nhật Ánh có cấu trúc cốt truyện đơn giản xoay quanh một vài sự kiện theo quan hệ nhân quả liên quan đến mối quan hệ tình cảm giữa ba nhân vật: Trường – cậu thiếu niên mới lớn với những cảm xúc ngây dại đầu đời; Ngà – cô thiếu nữ tuổi mười chín ôm trong mình hoài bão lớn lao và cả những rung động tình yêu mãnh liệt; Điền – anh thanh niên đã qua cái tuổi đôi mươi, đã có một gia đình nhỏ nhưng trái tim bản năng của một người đàn ông vẫn trỗi dậy trong anh ta. Trường vốn chỉ quen với mấy trò nghịch ngợm của trẻ con, quen với những buổi nô đùa cùng chúng bạn, vô tư và hồn nhiên đúng với lứa tuổi. Cho đến khi cậu gặp chị Ngà, người con gái thuần khiết với ánh mắt mơ mộng luôn tràn ngập hình ảnh những bông cúc vàng trong vườn nhà Miên – người bạn thân nhất của cô, người tạo cơ hội cho Ngà được cùng ôn thi tại nhà mình, cơ duyên để Trường gặp được mối tình đầu của cậu. Hoa cúc vàng trong suy nghĩ của Ngà luôn đại diện cho niềm vui nhưng cô
cũng đâu ngờ nó lại khởi nguồn và chứng kiến tất cả những biến cố, tủi hổ và tan vỡ trong tình yêu đầu đời vụng dại của cô. Trường thầm thương chị Ngà, một thứ tình cảm to lớn và quá sức với một cậu thiếu niên mười lăm tuổi, muốn che chở, bảo vệ cho người mình yêu nhưng bất lực. Chị Ngà lần đầu yêu, lần đầu rung động với một người đàn ông dày dặn sự từng trải như anh Điền, cô yêu hết mình và cũng được yêu lại một cách nồng nhiệt. Mối tình hạnh phúc của hai kẻ được yêu bên cạnh sự buồn khổ của kẻ không được yêu. Tình yêu đẹp nhưng cũng có sóng gió, mối tình Ngà – Điền trở nên oan nghiệt khi chị vợ anh Điền tìm đến nhà Trường – nơi mà người chồng tưởng như chịu thương chịu khó của chị đang tá túc để học nghề thầy thuốc từ ông ngoại của Trường. Ngà vỡ lẽ mình trở thành người thứ ba chen chân vào hạnh phúc của người khác, trái ngang hơn là cô biết mình đang mang thai giọt máu của Điền, chẳng rõ Ngà chọn cho mình cách chấm dứt khổ đau ra sao nhưng dân làng cứ đồn nhau tìm thấy đôi dép của cô ở bên bờ suối. Một mối tình tay ba dang dở và khổ đau. Tuy nhiên, nhân vật Trường chính là hình tượng tiêu biểu cho quan niệm nghệ thuật về con người tự chữa lành mà ta bắt gặp trong những sáng tác về đề tài tình yêu của Nguyễn Nhật Ánh.
Quan niệm nghệ thuật về con người – con người tự chữa lành trong suy nghĩ thể hiện rõ nét qua nhân vật Trường. Trường đau khổ nhưng lại không để nó lấn át đi sự cao thượng và dày vò cậu. Ngày mà Trường biết chị Ngà phải lòng anh Điền và dù cậu cố gắng trưởng thành trước mặt người con gái mình yêu thì cô cũng chỉ xem cậu là một đứa em, một đứa trẻ nông nổi, bồng bột. Đau đớn, tuyệt vọng, chán nản, lạnh nhạt, thờ ơ là những cảm xúc bình thường của một kẻ đem lòng yêu mà không được hồi đáp như Trường. Sau bao cố gắng, nỗ lực nhưng tình yêu của chị Ngà là thứ Trường không thể có được, cậu có trách cứ nhưng cậu cũng học cách chấp nhận. Dù chẳng thoải mái gì với câu chuyện tình yêu của chị Ngà – anh Điền, dù biết rõ ông ngoại mình ghét nhất người học trò nào không chú tâm học hành mà vướng vào những chuyện trai gái, dù chỉ là đứa trẻ mới lớn nhưng Trường không hề có một chút suy nghĩ bóc trần sự thật. Cậu dần học cách chấp nhận trong suy nghĩ, chấp nhận chuyện chị Ngà không yêu mình, không gượng ép bộc lộ tình cảm của bản thân như trước nữa, không suy nghĩ quá nhiều về việc sao chị Ngà lại thích hoa cúc trong khi nó chẳng có gì thú vị. Trường giữ lại trong suy nghĩ của mình hình ảnh một chị Ngà ngây thơ, hồn nhiên, trong sáng như thuở ban đầu khi cậu gặp chị ngồi ngẩn ngơ bên dàn hoa cúc vàng nhưng không còn quá khao khát có được tình yêu của chị. Trường cũng dần chấp nhận việc mình chỉ là một cậu thiếu niên đang tập cách làm người lớn còn chị Ngà thì cần một người đàn ông trưởng thành. Ngày định mệnh khi chuyện tình ngang trái của anh Điền và chị Ngà bị mọi người phát giác, chị Ngà xấu hổ bỏ đi, người ta cứ đồn nhau là chị tự vẫn bên bờ suối. Tuy nhiên, Trường vẫn tin là chị còn sống và có lẽ, đang làm lại cuộc đời và nuôi dưỡng đứa trẻ đó thật tốt dù nó là kết tinh của một mối tình éo le. Chị Ngà đã khiến trái tim chập chững biết yêu của Trường vỡ vụn và có thể chị cảm nhận được tình cảm chân thành của cậu, cố ý khước từ nhưng cậu vẫn chấp nhận sự thật: tình yêu là thứ không thể cưỡng cầu. Câu chuyện tình yêu của chị Ngà đã sai trái với chính người vợ của anh Điền nhưng với Trường, cậu vẫn luôn dành cho chị sự thương cảm, tin tưởng và trân trọng.
Nhân vật Trường được Nguyễn Nhật Ánh chọn làm điểm nhìn trần thuật trong Đi qua hoa cúc đồng thời cũng thể hiện quan niệm nghệ thuật về con người của tác giả - con người tự chữa lành. Con người sau năm 1975, đời sống nội tâm vô cùng phức tạp và có những tổn thương về mặt tâm lý. Xu hướng tự chữa lành, tự giải thoát, tự buông bỏ cũng vì vậy mà trở nên phổ biến, đây là một quan niệm sáng suốt và nhân văn. Bi thương nhưng không bi lụy, đó là mục đích xây dựng hình tượng nhân vật nhằm thể hiện quan niệm nghệ thuật về con người của Nguyễn Nhật Ánh.
Đọc tiếp: Con người tự chữa lành trong Đi qua hoa cúc phần 2