Con người ám ảnh định mệnh trong Nàng tóc đỏ phần 4

Con người ám ảnh định mệnh trong Nàng tóc đỏ phần 4

Bởi Học văn cô Hà Huyền 08/11/2024

Câu chuyện thứ hai – “Shahnameh” (Ferdowsi)

Trong thời gian làm thợ học việc cho thầy Mahmut, Cem được thầy răn dạy bằng những câu chuyện cổ xưa lấy từ kinh Koran – trong đó có chuyện Joseph và các anh em với thông điệp “một người cha không được cưng đứa con nào hơn”. Nhưng câu chuyện để lại trong anh ấn tương nhiều nhất có lẽ là “Shahnameh” được trình diễn dưới hình thức sân khấu kịch (Rạp hát kịch Luân lí).

Trong suốt ba mươi năm – kể từ thời điểm anh bỏ lại thầy Mahmut trong giếng, Cem luôn tìm hiểu về câu chuyện cổ ấy một cách nghiêm túc. Nếu như vua Oedipus giết cha và cưới mẹ thì “Shahnameh” lại nói về bi kịch Rostam giết Sohrab mà không biết đó là con trai của mình. Lần cuối cùng đối diện với con trai mình – Enver, Cem đã suýt giết chết thằng bé vì những xung đột trong tư tưởng. Cuộc đối thoại cuối cùng giữa hai người đã cho thấy sự tách biệt giữa hai thế hệ: “Những tay nhà giàu Thổ Tây hóa luôn nói ‘Quan hệ giữa tôi với Thượng đế thì chẳng việc gì đến anh!’ khi họ bảo vệ tính thế tục”, “Nhưng họ chẳng cần biết gì đến Thượng đế; họ chỉ chăm chăm vào thế tục để tô vẽ cho sự xấu xa của họ thành tính hiện đại” [1-tr.272]. Trong khi đó, chính Cem là một trong những người đem hiện đại về với thành phố Istanbul và biến nó thành một xã hội Tây hóa với những tòa nhà chọc trời. Dần dà, Ongoren và Istanbul tràn vào nhau làm một như lẽ tất yếu. Điều đó đã phá vỡ nền văn minh cổ xưa với sự tuyệt chủng của nghề đào giếng, xe cộ đi lại đông đúc trên đường xá, các nhà máy mọc lên dày đặc, “Istanbul và đất dưới chân nó đã bị biến chất và ô nhiễm”… đàn ông và đàn bà không ngại ngùng giao du với nhau thoải mái, phụ nữ không phải trùm đầu… Phong trào thế tục và sự Âu hóa đã khiến những con người yêu những giá trị truyền thống cổ xưa phải giận dữ - trong đó có Enver. Chúng ta cũng không lấy làm lạ khi Enver luôn tìm mọi cách công kích Cem một cách dồn dập, một phần vì Cem đã góp phần tác động khiến cho Istanbul cổ xưa bị “xóa sổ”, một phần vì chính anh đã bỏ rơi con trai mình như cách mà Rostam bỏ rơi Sohrab trong “Shahnameh”, chính anh đã giết thầy Mahmut như cách Oedipus giết cha.

Kết cục cuối cùng là Cem bị rơi xuống chiếc giếng – nơi mà chính anh đã bỏ lại thầy Mahmut cách đây ba mươi năm. Trong câu chuyện này, nhân vật của chúng ta không hề được lựa chọn mà hoàn toàn do số phận định đoạt: một kẻ giết cha và là một người cha bị giết dù rằng Cem đã chuẩn bị một khẩu súng lục cho mình. Trong vô thức, Cem đã lặp lại những cổ mẫu trong hai thần thoại: vô ý giết cha (thầy Mahmut) – như Oedipus của Hy Lạp và suýt giết chết con trai (Enver) – như Rostam của Ba Tư.

Như vậy, con người trong tiểu thuyết “Nàng tóc đỏ” là con người với những ám ảnh định mệnh. Bản thân họ không tìm được giải pháp nào để thoát khỏi định mệnh mà buộc phải phục tùng nó nhưng một lẽ tất yếu. Lời kết luận cuối cùng của thầy Mahmut sau khi nghe câu chuyện về vua Oedipus đã dự báo tất cả: “Vậy là cuối cùng ý muốn của Thượng đế cũng thành hiện thực”, “Không ai thoát được số phận của mình” “Chuyện đó cũng có thể xảy ra với con” [1-tr.62]

Đọc tiếp: Con người ám ảnh định mệnh trong Nàng tóc đỏ phần 5

zalo

Đăng ký sách

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký khóa học

messenger
08985 888 22