Tử chiến cha – con hay những xung đột giữa quá khứ và hiện đại?
“Tử chiến cha – con trong ‘Nàng tóc đỏ’ không phải bi kịch một gia đình mà là tử chiến giữa quá khứ và hiện đại, giữa Istanbul đô thị hóa và Istanbul thuở trinh nguyên”. Ở đây, tác giả mượn câu chuyện về thân phận và định mệnh để nêu bật ra những xung đột về thời đại giữa cũ và mới, giữa quá khứ và hiện đại.
Nói như Abhulhak Sinasi Hisar: “Cũng như chuyện chúng ta phải chết, chúng ta cũng phải chấp nhận là không có sự trở về với một nền văn minh mà thời điểm đã đến và qua từ lâu”. Một nước Thổ cổ xưa biến mất, một Istanbul nguyên sơ bị xóa sổ, thay vào đó là quá trình Âu hóa mạnh mẽ với sự phát triển của phong trào thế tục. Chúng ta không thể cưỡng đoạt lấy lại những gì đã mất như lật lại chiếc đồng hồ cát, dù ta có xoay chiều nào thì những hạt cát ấy vẫn rơi xuống theo quy luật vật lí nhưng dòng thời gian đã chảy sang thời điểm mới. Cem cố gắng tìm về quá khứ nhưng những gì anh nhận lại là bi kịch chồng lấn lên bi kịch.
Trong khoảng thời gian sống cùng người vợ Ayse, Cem dành phần lớn thời gian để giải mã câu chuyện về Oedipus và Rostam. Anh luôn thắc mắc về sự độc đoán của người cha Rostam. Oedipus sau khi tìm ra sự thật đã tự móc mắt của mình rồi rời khỏi đất nước như một sự trừng phạt; còn Rostam sau khi vô tình giết chết con trai thì không có hình phạt nào ngoại trừ sự đau đớn của ông ta và sự sụp đổ của người mẹ. Phải chăng người cha Phương Đông luôn thể hiện sự độc tài tuyệt đối của mình để khẳng định quyền năng của họ? Khởi nguồn tội ác của Oedipus và Rostam đều sinh ra trong sự “vô minh”. Nếu vậy thì tội ác sinh ra từ “cái không biết” có thể được tha thứ? Hay vì “không biết” mới sinh ra tội ác? Kết thúc truyện “Nàng Tóc Đỏ”, Orhan Pamuk không để Cem giết con dù anh có chuẩn bị súng. Nếu anh giết con, anh sẽ lặp lại bi kịch của Rostam. Nhưng rốt cuộc, anh bị con giết. Đó là tiếng vọng của Oedipus. Phương Tây đã chiến thắng. Trong cuộc đối chất với người con, tại sao Enver lại luôn muốn tấn công vào mắt của cha: “Nhiều lúc tôi giận ông kinh khủng đến mức điều tôi muốn nhất là moi mắt ông ra”, “tôi nhất định sẽ bắt đầu bằng cách chọc mù mắt ông”? Tại sao phán quyết đưa ra “Anh ta bắn vào mắt cha” nhưng không ai nói về cuộc giằng co bên giếng hay lời khai của Enver trước tòa? Trong khi đó, “nó biện bạch rằng nó chỉ tự vệ và khẩu súng vô tình cướp cò khi nó cố giằng vũ khí từ tay cha”. Tại sao lại là đôi mắt chứ không phải vị trí khác trên cơ thể của Cem? Rõ ràng số mệnh của Oedipus đã ứng nghiệm lên Cem. Con người đã hoàn toàn bất lực khi chống lại định mệnh.
Định mệnh an bài đã cho thấy những giằng xé, mâu thuẫn Đông – Tây sẽ khó có thể dung hợp dù chúng cùng đồng hiện trong một không gian. Thông qua hình thức của cuốn tiểu thuyết đậm dấu ấn phương Tây, Orhan đã “đi sâu tìm hiểu tâm hồn u uẩn, sầu muộn của thành phố quê hương” – Istanbul: nơi đã chứng kiến biết bao sự đổi thay thế sự. Sau cùng, Cem vẫn thú nhận với lòng mình và với người con trai, chính chiếc giếng ấy là “lịch sử và ký ức đối với tôi”. Nó là nơi hai thầy trò khao khát tìm ra nguồn nước, là nơi đầu tiên anh cảm nhận được hơi ấm tình cha nhưng cũng là nơi khởi đầu cho tội ác: một tội ác xảy ra trong quá khứ, một tội ác xảy ra trong hiện đại. Chiếc giếng trở thành “mối thông đạo” gắn kết câu chuyện, là nút thắt giữa hai thế hệ và hai tư tưởng Đông – Tây. Không gian chiếc giếng chính là không gian giữa Đông – Tây cùng đồng hiện. Dù con người (cha – con) thuộc về nền văn minh nào thì họ vẫn “nhận mặt” nhau ở những phức cảm sâu thẳm nhất.
Kết luận
Như vậy, tiếp cận văn học từ góc độc thi pháp học – cụ thể là quan niệm nghệ thuật về con người, đã cho thấy hiệu quả lớn trong việc đi sâu vào các tầng nghĩa của văn bản. Đối với tiểu thuyết “Nàng tóc đỏ” của Orhan Pamuk, chúng ta thấy quan niệm nghệ thuật về con người nổi bật trong tác phẩm là con người với ám ảnh định mệnh. Điều này một phần cho thấy quan niệm của nhà văn ảnh hưởng lớn bởi các tác phẩm cổ đại của Hy Lạp và Ba Tư; đồng thời cũng là chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi tình hình phát triển lịch sử xã hội của Thổ Nhĩ Kì từ thuở nguyên sơ đến thời hiện đại. Bởi lẽ quê hương của tác giả nằm giữa xung đột Đông – Tây và chịu sự phân tranh giữa chủ nghĩa thế tục và chế độ thần quyền. Dù ông tự nhận là “người dân chủ thế tục, tự do và ủng hộ quá trình Âu hóa” nhưng dễ thấy ông đứng giữa ranh giới luân chuyển của hai luồng tư tưởng đó. Cem là nhân vật thu lại những ảnh hưởng đó của tác giả và bộc lộ trong tác phẩm.
Đọc tiếp: Con người ám ảnh định mệnh trong Nàng tóc đỏ phần 1