Ám ảnh định mệnh
Cuốn tiểu thuyết tập trung khai thác về mối quan hệ cha – con. Như đã trình bày ở trên, Cem là một chàng trai bất hạnh với tuổi thơ thiếu vắng tình thương của cha, cậu không ngần ngại khi coi thầy Mahmut như người cha để khỏa lấp khoảng trống trong mình. Song hình mẫu người cha lí tưởng ấy đối với cậu là cả một sự xung đột.
Thầy Mahmut thuộc lớp người xưa cũ. Từ tư tưởng cho đến công việc đều như phủ một lớp bụi của thời đại đã qua. Ông thuộc số ít người thực hành nghệ thuật đã tồn tại hàng ngàn năm – nghệ thuật đào giếng. Được Cem hỗ trợ trong việc đào một cái giếng trên mảnh đất cằn cỗi của Hayri Bey, ông đã có cơ hội được tiếp xúc với chàng trai trẻ tuổi với tư tưởng phương Tây mới mẻ. Nhưng điều đó cũng khiến hai người có những cuộc mâu thuẫn ngầm không đáng có. Sau những ngày đào giếng mệt nhọc, đêm đến, họ thường kể cho nhau nghe những câu chuyện cổ. Truyện của thầy Mahmut kể đều là những câu chuyện cổ lấy từ kinh Koran – minh triết phương Đông, để răn dạy “thợ học việc”; còn Cem “trả đũa” thầy bằng những câu chuyện Hy Lạp cổ – minh triết phương Tây. Một bên là phương Đông: Jacob cưng chiều Joseph hơn trong những đứa con của mình khiến chàng bị chết oan dưới tay của những người anh em đố kị; Rustam đâm chết Sohrab mà không hay biết đó là con trai mình. Một bên phương Tây: Oedipus vô tình giết cha vì khao khát tìm ra sự thật. Hai truyền thuyết Hy Lạp và Ba Tư ấy đã trở thành lời sấm truyền đáng sợ ứng nghiệm lên chính cuộc đời của Cem khiến anh sống trong nỗi rày vò về định mệnh.
Câu chuyện thứ nhất – “Vua Oedipus” (Sophocles)
Nhân vật “tôi” tiếp cận câu chuyện này lần đầu tiên khi làm thêm tại tiệm sách của ông Deniz. Nhưng văn bản của Cem đọc chỉ nằm trong hợp tuyển “Mơ và sống” chứ không phải văn bản gốc, nhưng nó trở đi trở lại trong kí ức của anh hết sức sống động và đầy ám ảnh. Lời sấm tiên đoán rằng Oedipus sẽ giết cha và cưới mẹ của mình – chàng đã không thoát khỏi định mệnh. Trong quá trình làm thợ học việc, Cem dần nhận ra lời sấm ấy đã tiên đoán đúng về vận mệnh của mình: anh đã vô tình “giết” thầy Mahmut – người anh coi như cha, và ngủ với Nàng tóc đỏ Gulcihan – nhân tình của cha ruột. Mặc dù sau này thầy Mahmut được cứu sống và tiếp tục đào giếng cho đến khi tìm thấy nguồn nước nhưng với tâm lí của một chàng trai non trẻ, Cem luôn bị rày vò vì tin rằng chính mình đã giết thầy Mahmut rồi bỏ trốn như một kẻ hèn nhát. Đã không ít lần Cem tự nhốt mình trong mặc cảm tội lỗi đó dù anh đã nỗ lực hết mình để trấn an bản thân: “Nhưng có kẻ nào nhẫn tâm đến độ bỏ lại thầy cho đến chết dưới đáy giếng mà lại mơ ước thành nhà văn không? Có phải cái xô rơi xuống hoàn toàn do sơ ý? Tôi thường tự nhủ rằng không có điều gì tồi tệ xảy ra ở cái giếng ấy” [1-tr.145]. Nhưng bên trong tâm trí anh có một cái giếng mà ở đó, thầy Mahmut vẫn miệt mài đào đất với chiếc cuốc chim trong tay: thầy vẫn còn sống hoặc có thể cảnh sát vẫn chưa tìm ra cái chết của thầy? Ước mơ trở thành nhà văn được anh ấp ủ bấy lâu, nay đã lụi tàn vì vết chàm trên linh hồn của mình. Anh quyết định học khoa địa chất của Đại học Bách khoa Istanbul như một nỗ lực cuối cùng để bản thân vơi đi gánh nặng tội lỗi. Và cũng thời gian này, anh đã đọc được văn bản gốc “Vua Oedipus” của Sophocles xuất bản 1941. Anh đã đưa ra một quyết định táo bạo: “Nếu muốn sống một đời ‘bình thường’, bình dị như bao người, tôi phải làm ngược lại những gì Oedipus làm và giả vờ như không có gì xấu xảy ra” [1- tr.153]. Việc Cem bỏ lại người thầy cổ hủ của mình trong giếng rồi thu dọn đồ trở về thành phố Istanbul như một hành động ruồng rẫy quá khứ. Tác giả ném nhân vật vào chiếc giếng do chính họ đào lên và ràng buộc họ vào định mệnh đã được an bài sẵn – mọi nỗ lực kết nối với quá khứ đã hoàn toàn đứt gãy, nếu cố gắng tìm kiếm cũng chỉ kết thúc trong tội ác do mình tạo nên. Chính điều đó đã điều hướng nhân vật Cem đưa ra quyết định đi ngược lại những gì Oedipus đã làm. Và việc anh cố gắng hàn gắn mảnh vỡ kí ức trước đây bằng cách trở lại chiếc giếng sau ba mươi năm đã trở thành nơi diễn ra tội ác tiếp theo (chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này). Thời gian trong tiểu thuyết “Nàng tóc đỏ” là thời gian tuyến tính (từ quá khứ đến hiện đại) và cái giếng là điểm chặn, là ranh giới giữa hai thời đại đó, nếu kẻ nào liều lĩnh xâm phạm tới nó thì anh ta sẽ tự kết án mình bằng tội ác nguyên thủy không thể tránh khỏi – mà ở đây là tội giết cha. Cho nên, “điều tra tội ác ngày xưa, như Oedipus đã làm, sẽ không đem lại gì cho tôi ngoài thêm phần hối hận”.
Đọc tiếp: Con người ám ảnh định mệnh trong Nàng tóc đỏ phần 4