Con người ám ảnh định mệnh trong Nàng tóc đỏ phần 2

Con người ám ảnh định mệnh trong Nàng tóc đỏ phần 2

Bởi Học văn cô Hà Huyền 08/11/2024

Nội dung

Quan niệm về vai trò cha – con

Sau hàng loạt những chấn thương của tuổi thơ: phải sống chật vật trong cảnh nghèo túng, thiếu thốn tình cảm của cha, phải làm thêm tự kiếm tiền vào trường luyện thi… nhân vật Cem dần trưởng thành mà không có cha bên cạnh: “chính nhờ bao năm lớn lên không có cha, tự bươn chải, mà tôi thành chính mình”. Cem luôn say mê những câu chuyện giết cha, một phần cũng do tuổi thơ anh luôn vắng bóng một người đàn ông dẫn đường. Thậm chí về sau, khi đã trở thành một doanh nhân thành đạt và mối quan hệ giữa anh và người cha cánh tả cũng dần trở nên trung hòa, nhưng câu chuyện giết cha vẫn thường có một sức lôi cuốn với anh rất lạ kì: “Có một giai đoạn tôi ưu ái các kiểu báo chí tập trung vào các vụ bê bối và giết người và đăng những câu chuyện nhắc tôi nhớ đến Oedipus và Rostam”, “người cha ngủ với con dâu trẻ trung xinh đẹp trong khi con trai đi lính xa nhà hay ngồi tù, sau đó người con trai về nhà và phát hiện ra sự thật bèn giết cha”, “anh con trai bất mãn về tình dục cưỡng bức mẹ trong cơn điên phút chốc. Khi người cha cố ngăn hay trừng phạt anh ta, anh con trai bèn giết cha”, “thiên hạ ghét họ vì họ giết cha không bằng vì họ cưỡng hiếp mẹ”. Cả một xã hội thời kì đổi mới phải đối mặt với sự mục rỗng về luân lí đạo đức. Một Oedipus, một Rostam sừng sững tồn tại giữa xã hội vô luân. Chỉ khác là một bên nhân vật thần thoại không nhận diện rõ đối thủ là ai, một bên là hiện đại đã có sự rạch ròi về lí lịch đối phương. Oscar Wilde từng nói: “Cuộc sống bắt chước nghệ thuật chứ không phải nghệ thuật bắt chước cuộc sống”; còn với Orhan Pamuk, thần thoại không bắt chước cuộc sống mà “cuộc sống mô phỏng thần thoại”. Con người dù có phát triển vượt bậc đến đâu, họ cũng thể thoát ra khỏi cái giếng của số phận.

Quan niệm về cha – con giữa hai thế hệ Cem và Enver (con trai của Cem)

Cem: “Khi không có ai quan sát, con người chúng ta giấu bên trong mới được đi ra làm gì tùy thích. Nhưng khi ta có một người cha đủ gần bên để mắt đến, con người thứ hai kia sẽ còn chôn dấu bên trong” [1-tr.82]. “Nhưng nếu tôi có, ông sẽ mong tôi nghe lời ông, và ông sẽ đàn áp cá tính của tôi bằng tình thương và sức mạnh nhân cách của ông!” nhưng “tôi có hạnh phúc không nếu cúi đầu trước ý muốn của cha? Điều đó có thể khiến tôi thành con ngoan, nhưng tôi sẽ không thành một cá nhân thực sự”; “Con trai tôi có thể tự nguyện vâng lời cha mà vẫn là một cá thể đã thành hình đúng mức”.

Enver: “Khi ta lớn lên không có một người cha, ta nghĩ vũ trụ không có trung tâm và không có tận cùng, và ta nghĩ ta muốn làm gì cũng được…”, “nhưng cuối cùng ta lại thấy ta không biết mình muốn gì, và ta bắt đầu tìm một kiểu ý nghĩa nào đó, một tiêu điểm trong đời mình: ai đó để cấm đoán ta” [1-tr.262] “Một người cha là một nhân vật đáng ngưỡng vọng, có lòng yêu thương vô bờ, cho đến chết cũng vẫn sẽ chấp nhận và dõi theo con mình đẻ ra. Ông ta là nguồn và trung tâm vũ trụ. Khi ta tin rằng có cha, ta thư thái ngay cả khi ta không gặp, vì ta biết rằng ông luôn ở đó, sẵn sàng yêu thương bao bọc ta” [1-tr.274]; “Nếu ông muốn tôi là con trai ngoan ngoãn, tôi đâu thể là cá nhân hiện đại được, đúng không? Nếu ông muốn tôi là cá nhân hiện đại, vậy thì tôi không thể là con ngoan”.

Cả Cem và Enver đều là hai nạn nhân trong mối quan hệ gia đình đổ vỡ - họ không có cha bên cạnh. Nhưng ở họ, quan niệm về cha – con không có sự tương đồng. Cem nhận thấy sự hiện diện của người cha có thể triệt tiêu con người cá nhân của mỗi đứa trẻ. Việc đứa con ngoan phục tùng mệnh lệnh của người cha mẫu mực sẽ khiến nó không thể trở thành “một cá nhân thực sự”. Nhưng Cem vẫn khẳng định vai trò tối thượng của người cha khi bắt con mình tuân theo mệnh lệnh mà vẫn có thể “thành hình đúng mức”. Còn đối với Enver – một người con chưa từng nhìn mặt cha từ khi lọt lòng, lại khẳng định người cha sẽ chở che cho con cái của họ bằng sức mạnh của tình yêu thương chứ không phải ép chúng làm theo những mệnh lệnh khắc nghiệt hay những triết lí tình thương mà nhân cách họ không cho phép. Sự hiện diện của người cha cùng với tình thương yêu chân thành của họ sẽ giúp ta thư thái dù ngay cả khi ta không gặp họ. Đứa con “thành hình đúng mức” là đứa con thuộc về cá nhân hiện đại. Enver không đáp ứng vai trò trở thành một đứa con ngoan chỉ biết phục tùng cha như một cỗ máy. Sự xung đột trong tư tưởng của họ đã cho thấy những vết rạn trong mối quan hệ máu mủ ruột rà. Cem càng cố gắng khơi sâu về quá khứ thì càng khiến anh trở nên khó xử trước lời lẽ đanh thép của đứa con: “Nếu ông thực sự tin Thượng đế và đọc kinh Koran, sao ông bỏ thầy Mahmut lại dưới cái giếng không đáy này?... Những người có đạo đức đích thực sẽ có lương tâm”, “Không, không nhỏ. Ông đủ lớn để đi ngủ lang và khiến đàn bà có thai”, “Ông bỏ thầy dưới giếng vì ông tự phụ, ông nghĩ đời ông thì đáng giá hơn đời thầy. Trường của ông, những giấc mơ đại học của ông và đời ông quan trọng với ông hơn sự tồn tại của người đàn ông tội nghiệp đó” [1-tr.276] Những tội ác trong quá khứ của Cem được Enver vạch trần phanh phui và khẳng định quan niệm về mối quan hệ cha – con của anh hoàn toàn đi ngược với những gì anh đã làm. Người cha là Cem hoàn toàn bất lực – bất lực trước số mệnh và bất lực trong việc thực thi vai trò của một người cha.

Đọc tiếp: Con người ám ảnh định mệnh trong Nàng tóc đỏ phần 3

zalo

Đăng ký sách

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký khóa học

messenger
08985 888 22