TÓM TẮT
Khi tìm hiểu về một văn bản văn học, sẽ thật là thiết sót nếu không đề cập đến các vấn đề về nhân vật được nhắc đến trong tác phẩm ấy, nó là một phương diện cơ bản để từ đó chúng ta có tìm hiểu sâu hơn vào thế giới nội tại của tác phẩm và thế giới nội tâm tác giả. Lý thuyết phân tâm học từ lâu đã được nhiều học giả sử dụng để nghiên cứu, phê bình văn học và từ đó lý giải được những khúc mắc trong thế giới nội tâm nhân vật.
Ở bài viết này, chúng tôi phân tích nhân vật Lennie (dựa trên hành động, lời nói, những câu văn được miêu tả…) khi đặt nhân vật trong toàn bộ tác phẩm“Của chuột và người”, trong mối quan hệ với anh bạn thân – George, với những nhân vật xung quanh, vận dụng lý thuyết của Phân tâm học để phân tích cái vô thức và ý thức của nhân vật Lennie.
Từ khóa: vô thức, ý thức, phân tâm học.
Đặt vấn đề
Vấn đề nhân vật trong tác phẩm văn học giống như một mảnh đất màu mỡ được ưa thích và cày đi xới lại nhiều lần mà mỗi lần cày xới ấy lại mang đến một sự ngạc nhiên khác nhau. Theo giáo trình Lý luận văn học,“nhân vật chính là hình thức cơ bản để qua đó văn học miêu tả thế giới con người một cách hình tượng” bởi nhân vật chính là hình mẫu được lấy từ thế giới bên ngoài, có quan hệ mật thiết với đời sống và tái hiện phần nào thế giới được nhắc đến đó. Vì vậy, trong những tác phẩm khác nhau sẽ xuất hiện những kiểu nhân vât khác nhau và chính những kiểu nhân vật ấy sẽ mang đến các giá trị biểu đạt vã những ấn tượng, vấn vương trong lòng độc giả.
Theo Phân tâm học của Freud, “cái vô thức là một “kho tàng” các cảm xúc, suy nghĩ, ham muốn và ký ức nằm bên ngoài vùng kiểm soát của ý thức. Hầu hết các nội dung của vùng vô thức đều khá khó chịu và không được chủ thể chấp nhận, như cảm giác đau đớn, lo âu hay xung đột”. Trong xã hội loài người, để có thể duy trì và phát triển thì con người đã phải đặt ra những nguyên tắc ngầm về việc phải giấu đi sự vô thức và một khi đã ra ngoài xã hội, anh phải là một người sống có ý thức, phải “cất” cái phần “con” của mình đi và hòa nhập với mọi người, đó chính là nguyên tắc tối thiểu để có thể hòa hợp với xã hội này. Việc nhìn nhận nhân vật Lennie dưới mẫu hình con người sống vô thức và ý thức giúp chúng tôi có thể đi vào sâu nhất nội tâm nhân vật, góp phần đánh giá đúng đắn nhất mọi hành động, suy nghĩ và ảnh hưởng của Lennie tới toàn bộ tác phẩm.
2. Nội dung
“Của chuột và người” kể về Lennie và George – hai người bạn thân thiết, cùng đồng hành với nhau, làm việc chăm chỉ để có thể “làm chủ một trang trại” và có cuộc sống tự do, được làm việc theo ý thích. Nhưng hiện thực tàn khốc đã xóa mờ đi giấc mơ chính đáng ấy, do sự khờ khạo của mình mà Lennie đã phạm phải một sai lầm không cứu vãn được và anh ta đã phải trả giá bởi viên đạn bắn ra từ súng của người bạn thân mình – George. Tác phẩm viết về những người dân cày Mỹ trong cơn khủng hoảng kinh tế năm 1937 với cuộc sống vất vả khó khăn, nay đây mai đó, nó giống như một bức tranh sơn dầu không có chỗ cho khoảng sáng của tia hy vọng. Và hơn hết, “Của chuột và người” chính là câu chuyện nhuốm màu chua xót của những ước mơ không thành hiện thực.
Một nhân vật có thể mang tính ý thức ở một thời điểm nào đó, nhưng ngay sau đó lại bị xâm lấn bởi vô thức. Cũng bởi sự xuất hiện và biến mất, giữa sự thay phiên nhau của ý thức và vô thức, chúng ta khó có thể “chỉ mặt đặt tên” nhân vật văn học một cách chính xác tuyệt đối. Khi đưa ra một kết luận về việc nhân vật đó ở trạng thái vô thức thì ngay lập tức sẽ có phản biện và dẫn đến sự trở lại của miền ý thức của nhân vật. Vậy nên chúng ta khó có thể tách biệt ra kiểu nhân vật thuần ý thức hoặc thuần vô thức. Sau khi tìm hiểu, tôi thấy rằng có khá nhiều tài liệu chứng minh việc nhân vật Lennie là một nhân vật thuần vô thức, nhưng với quan điểm cá nhân, tôi cho rằng anh ta chính là tổ hợp, là sự giao thoa của vô thức và ý thức dẫu rằng có nhiều trường hợp ý thức của anh ta đã “đi chơi mất, chỉ để lại đất diễn cho cái vô thức”.
Đọc tiếp: Cái vô thức và ý thức trong Của chuột và người phần 2