Anh chị hãy viết một bài văn khoảng 600 chữ bàn về lòng bao dung, vị tha trong cuộc sống.

Anh chị hãy viết một bài văn khoảng 600 chữ bàn về lòng bao dung, vị tha trong cuộc sống.

Bởi Học văn cô Hà Huyền 02/09/2024

“Tha thứ là tôn giáo vĩ đại nhất.

Khoan dung là tôn giáo tốt nhất.”

Victor Hugo đã từng nói vậy để thức tỉnh mỗi chúng ta về một lẽ sống, một thái độ sống khiến con người ta có thể xóa tan những hận thù, những ganh ghét để tâm hồn ta trở nên bình yên, nhẹ  nhõm. Chính sự vị tha, bao dung – những tôn giáo vĩ đại, những liều thuốc cho tâm trí con người sẽ khiến ta nhìn nhận cuộc sống thêm tích cực. Để rồi khi nhìn lại hành trình sống của mình - hành trình hoàn thiện cuốn hồi ký của mỗi năm tháng trong cuộc đời, ta sẽ buông bỏ những hơn thua, tính toán mà tự hào, mãn nguyện với những điều đẹp đẽ ở lại. Đó chính là lòng vị tha và bao dung.

   Lòng vị tha và bao dung là những phẩm chất đạo đức quan trọng, biểu hiện qua khả năng chấp nhận và tha thứ cho những lỗi lầm, khuyết điểm của người khác mà không giữ lại sự oán giận hay thù hận. Vị tha là sự sẵn lòng tha thứ, bỏ qua những sai lầm của người khác, không để những lỗi lầm đó ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ và cảm xúc của bản thân. Và bên cạnh đó, bao dung là khả năng rộng lượng, chấp nhận những khác biệt về quan điểm, lối sống và cá tính của người khác, đồng thời không phán xét hay kỳ thị. Cả hai phẩm chất này đều có những tác động tích cực với mỗi con người.

   Với cá nhân, khi tha thứ cho người khác, chúng ta giải phóng mình khỏi những cảm xúc tiêu cực như oán giận, thù hận và cay đắng. Những cảm xúc này nếu tồn tại lâu dài có thể gây ra stress, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tinh thần và thể chất. Nhiều nghiên cứu tâm lý học đã chỉ ra rằng, những người biết tha thứ thường có sức khỏe tâm lý tốt hơn, ít bị căng thẳng và trầm cảm hơn. Tha thứ còn giúp chúng ta giải tỏa tâm trí, từ đó có thể tập trung vào những điều tích cực và ý nghĩa hơn trong cuộc sống. Điều này không chỉ giúp chúng ta sống thanh thản mà còn tăng cường sự tự tin và lòng tự trọng. Và hơn thế, khi biết bao dung, độ lượng với những lỗi lầm của người khác hay chính bản thân ta cũng học được cách chấp nhận và yêu thương chính mình, từ đó tạo ra một cuộc sống cân bằng và hạnh phúc hơn.

   Hơn vậy, lòng vị tha cũng có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển cá nhân. Khi tha thứ, chúng ta không chỉ giải phóng mình khỏi những cảm xúc tiêu cực mà còn học được cách đồng cảm và hiểu biết sâu sắc hơn về người khác. Điều này giúp chúng ta phát triển những kỹ năng giao tiếp và quan hệ xã hội tốt hơn, bởi một người biết tha thứ, biết đồng cảm với những lầm lỗi của người khác sẽ luôn được yêu quý, tôn trọng. Hơn thế, lòng vị tha còn là nền tảng giúp chúng ta rèn luyện, phát triển những phẩm chất đạo đức quan trọng như lòng nhân ái, sự kiên nhẫn và khả năng tự kiểm soát. Những phẩm chất này không chỉ giúp chúng ta sống tốt hơn mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự thành công trong cuộc sống cá nhân và nghề nghiệp.

         Rộng hơn phạm vi cá nhân, lòng vị tha còn có tác động to lớn đối với cộng đồng. Một xã hội mà trong đó mọi người biết tha thứ và bỏ qua những lỗi lầm của nhau sẽ trở nên ngày càng hòa bình và phát triển. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh xã hội hiện đại, nơi sự đa dạng về văn hóa, tín ngưỡng và lối sống có thể dẫn đến nhiều xung đột và hiểu lầm. Mọi người biết tha thứ và chấp nhận lẫn nhau sẽ tạo ra môi trường sống hòa bình và hài hòa - nơi mỗi cá nhân đều có thể phát triển và cống hiến hết mình cho xã hội. Đó cũng là cách đất nước Việt Nam ta – đất nước bước ra từ chiến tranh với biết bao những vết thương vẫn còn rỉ máu tới hiện tại đã gác lại quá khứ, tha thứ cho những xung đột trong quá khứ để hướng tới sự kết nối hòa bình. Nước ta trên quan điểm tôn trọng quá khứ,bày tỏ thiện chí hòa nhập để rồi giờ đây từ những phe đối địch với cách nước như Pháp, Mĩ, Việt Nam đã xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp giữa đôi bên để hợp tác cùng phát triển. Chính sự bao dung, vị tha với những mâu thuẫn trong quá khứ ấy đã không chỉ hàn gắn vết thương chiến tranh mà còn giúp đất nước ngày càng được phát triển.

          Sự vị tha, bao dung có những tác động tích cực chẳng thể bàn cãi, nhưng tiếc thay vẫn có những người luôn sống trong thù hằn, ganh ghét. Họ luôn bị những suy nghĩ ganh đua, so sánh chi phối mà quên đi rằng cuộc sống còn nhiều điều tích cực, đáng giá hơn để theo đuổi. Lối sống như vậy sẽ khiến họ chẳng thể thoát ra khỏi ao tù của sự tiêu cực mà chẳng thể giữ cho bản thân một tâm hồn bình yên, nhẹ nhõm. 

         Trong đạo Phật, Đức Phật đã răn dạy, tha thứ không chỉ là giải phóng người khác khỏi tội lỗi mà còn là giải phóng chính mình khỏi những khổ đau và ràng buộc. Đúng vậy, những giá trị này không chỉ giúp cá nhân sống đúng với những phẩm chất đạo đức cao đẹp mà còn góp phần xây dựng một thế giới hòa bình và hạnh phúc. Chúng ta hãy sống biết thứ tha, biết thông cảm để thấu hiểu nhau hơn. Và hãy để sự bao dung, vị tha từ trái tim soi tỏ cho những lầm lỗi, tiêu cực, tăm tối để tâm hồn được thanh thản.

 

zalo

Đăng ký sách

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký khóa học

messenger
08985 888 22