Có lúc anh tin rằng “Có cơ đó là tên tôi cũng nên”, “những âm tiết này đánh thức dậy cái gì đó trong tôi, cái gì đó thoảng qua như ánh trăng chiếu lên một đồ vật”; “chưa có bằng chứng rõ ràng” nhưng “vẫn hy vọng bền bỉ”. Cùng với niềm hi vọng là cảm giác quen thuộc, là những tưởng tượng để lấp đầy quá khứ trống rỗng “cái quảng trường yên tĩnh này quả có nhắc nhở tôi một cái gì đó”, “tôi cố hình dung ra gian phòng này ngày xưa, khi chúng tôi từng dùng bữa ở đấy”, “Hồi nhỏ chắc tôi đã chơi trốn tìm ở đây với ông nội tôi hoặc bọn bạn cùng tuổi và giữa cái mê cung thần diệu ngát mùi cây râm và thông này, hẳn tôi đã trải qua những thời khắc đẹp nhất của đời mình”. Thế nhưng hy vọng rồi lại thất vọng, “chưa bao giờ tôi từng khoác tay một bà nội người Mỹ dạo chơi dọc bãi cỏ này. Thuở nhỏ, chưa bao giờ tôi từng chơi trong vườn mê cung ấy...Đáng tiếc”. Còn lại chỉ là sự chới với, hẫng hụt và bế tắc “Tôi cố nắm bắt dư âm những buổi tối xa xưa của chúng tôi, nhưng vô ích”, “tất cả đều đã bị niêm phong”, quá khứ dường như đã đóng kín. Những câu hỏi cứ bủa vây “Liệu có còn dấu vết gì của tôi trong cái căn hộ hoang vắng đó, căn phòng từ lâu không người ở, nơi chiều nay chuông điện thoại réo hoài vô vọng?”, “Liệu rồi, cuối cùng, tôi có nhận ra được một nơi tôi đã từng sống?”, “Những buổi tối xưa kia của chúng tôi trong căn phòng này thường như thế nào nhỉ?”...Mộng hay thực, tưởng tượng hay ký ức? Tất cả cứ đan xen, chắp vá như những mảnh ghép vỡ vụn được đặt cạnh nhau, để rồi“tôi không còn nhớ tối hôm ấy, tôi tên là Jimmy hay Pedro, họ Stern hay McEvoy”. Giữa đêm tối mịt mù, trong Guy cũng từng có những khoảng vụt lóe sáng của ký ức bật dậy - đó là buổi tối vui vẻ chơi bi-a cùng chúng bạn, là những tháng ngày hạnh phúc tại nhà mượn của người thợ may hay xa xôi hơn là chốn yên bình mang tên “Thập tự phương Nam”.
Vậy là chiến tranh đã cắt lìa con người khỏi quá khứ, gốc gác của họ, xô đẩy và quăng quật họ rồi cấu trúc họ trong một cuộc đời mới. Vì chiến tranh mà những chàng trai, cô gái ấy đã không thể sống và yêu như lẽ ra họ phải thế. Họ bắt đầu những cuộc hôn nhân chóng vánh để kiếm tìm một lối thoát. Họ bẽ bàng từ giã cuộc đời vì ám ảnh về cái già và sự đổi thay. Họ trốn chạy để rồi mất trí hoặc ra đi mãi mãi. Hành trình Guy tìm về nhân dạng của mình là một nhu cầu bản năng để được biết mình là ai, để được thấy rõ mình trong quá khứ, cái quá khứ mà từ đó họ sinh ra, lớn lên là trở thành hiện tại, để họ biết vì sao họ sống chứ không phải tồn tại như một số 0 tròn trĩnh. Kể câu chuyện từ điểm nhìn của Guy Roland với cái nhìn thế giới xuyên qua tâm trạng và suy nghĩ nhân vật, Patrick Modiano đã làm rõ cái thân phận bi đát, đáng thương của con người thời hậu chiến - sự bơ vơ, chới với và cô độc nhưng cũng từ đó nhà văn giúp ta cảm nhận rõ niềm khao khát biết mình, hiểu mình của con người, dù con đường tìm ra chính mình đầy mịt mù và thử thách.
Không dừng lại ở cái nhìn một chiều, Patrick đã đan xen giữa những lời dẫn dắt của nhân vật tôi là những lời kể chuyện của các nhân vật khác. Trước hết đó là những bức thư Jean - Pierre Bernardy gửi kèm theo hồ sơ thông tin về các nhân chứng mà Guy muốn tìm hiểu. Những dòng tin khách quan về tên, quốc tịch, nơi ở, số điện thoại, mối quan hệ,...nằm thẳng băng trên giấy với những gạch đầu dòng. Hóa ra cái quá khứ mà con người cố gắng tìm lại, trân trọng và ghi nhớ có lúc chỉ là những dòng ghi chép ngắn ngủi, vô tình. Một con người đã từng sống, từng yêu cuối cùng cũng chỉ còn lại vài gạch đầu dòng như thế, vinh dự hơn thì tồn tại trong những cuốn Bottin và niên giám rồi dần dần biến mất. Vậy con người thực sự là gì? Con người chỉ bé nhỏ, mong manh đến thế thôi sao? Không, quá khứ của Guy (Pedro) và những người bạn còn được kể qua những hồi ức nhập nhoạng của các nhân vật khác. Người đối tác giúp Pedro bán các đồ vật kiếm sống đã nhớ về anh với ý định trốn chạy sang Bồ Đào Nha và cầu chúc cho anh “cũng được bình yên và sung sướng như y trong buổi chiều tối mùa hè này với một đứa bé đang bước qua những vũng nắng cuối ngày trên vỉa hè”. Cô con gái nuôi của Denise thì nhớ mãi “một kỷ niệm rõ nét hơn các kỷ niệm khác” - ngày Chủ nhật cô cùng Denise và Guy đi ăn kem, chơi hội chợ rồi đi xe điện đụng để rồi thao thức “Họ sống ở đâu? Từ bấy đến nay, họ ra sao rồi?”. Hay người đàn bà làm ma nơ canh trong tiệm may đã gặp Denise, Pedro và nghĩ họ thật đẹp đôi. Điều thú vị là cùng một nội dung sự kiện nhưng được kể dưới góc nhìn của những người kể chuyện khác nhau. Chương XXI và XXXII đều kể về cuộc đi chơi của Denise, Predo và một đứa bé; chương XXVI và XXXVII cùng kể về cuộc gặp gỡ của Predo với một người môi giới. Nhờ thế, tác giả cho ta biết rằng những ký ức rời rạc của Guy cũng đúng, nó trùng khít với ký ức của một người khác. Và những - con - người - bị - quá - khứ - chối - bỏ có lẽ cũng tìm được chút an ủi, yêu thương khi chí ít họ vẫn sống trong trí nhớ của ai đó. Đấy là lí do vì sao người ta trăn trở tìm về quá khứ để trả lời mình là ai, mình sống như thế nào.
Như vậy, bằng cách thay đổi linh hoạt và đan xen các điểm nhìn của những người kể chuyện khác nhau, tác phẩm đã mang đến những tiếng nói đối thoại về thân phận con người. Những nạn nhân đáng thương của lịch sử thì mang trong mình mặc cảm sự cô độc, bị bỏ rơi, lạc lõng, hoài nghi thế giới, hoài nghi chính mình “...phải chăng cuộc đời chúng ta cũng tan nhanh trong chiều tối như nỗi buồn trẻ thơ đó?”, “...tôi chẳng là gì cả, nhưng những làn sóng xuyên qua tôi, khi xa xăm, khi mạnh hơn và tất cả những dư vang tản mát bồng bềnh trong không trung ấy kết tinh lại và ấy là tôi”. Thế nhưng đâu đó vẫn có một niềm tin lạc quan rằng, họ không cô độc, họ vẫn sống trong ký ức của những người họ gặp gỡ. Và bao trùm lên tất thảy, cả những nỗi niềm bi quan và lạc quan, là khao khát mãnh liệt của con người về bản thể, khao khát định vị mình trong lịch sử, xác định mối quan hệ của mình với sự tàn phá của thời gian, để trả lời câu hỏi “Mình là ai? Tương lai của mình sẽ đi về đâu?”. Đó chẳng phải là nhu cầu bản năng và mục đích sống cuối cùng của con người hay sao?
Đọc tiếp: Âm vang đối thoại về con người trong Phố những của hiệu u tối phần 1