Vỏ Trái Đất
Bề dày vỏ Trái Đất sẽ thay đổi từ 5 đến 10km ở đại dương và từ 20 đến 70km ở lục địa, chiếm khoảng 15% thể tích và 1% trọng lượng toàn bộ Trái Đất. Lớp này có tỉ trọng vậtt chất trung bình là 2,8g/cm^3. Vỏ Trái Đất không đồng nhất theo chiều ngang và chiều thẳng đứng . Sự không đồng nhất theo chiều thẳng đứng thể hiện qua độ dày khác nhau ở mỗi khu vực mà chủ yếu là độ dày của lớp granit, theo chiều ngang được thể hiện qua sự không có mặt của lớp granit ở nền đại dương. Căn cứ vào thành phần vật chất và cấu tạo, vỏ Trái Đất được chia thành hai kiểu: vỏ đại dương và vỏ lục địa
– Vỏ lục địa:
Vỏ lục địa phân bố một phần ở dưới mực nước biển có bề dày trung bình 35 – 40km (ở miền núi cao đến 70 – 80km) và các lục địa. Cấu tạo gồm ba lớp: trên cùng là đá trầm tích cổ có bề dày 3 – 5km, tỷ trọng 1,8 – 2,5g/cm^3, tốc độ truyền sóng chấn động là 3 – 5km/s. Lớp granit ở giữa có bề dày 20 – 70km, tỷ trọng 2,5 – 2,7g/cm^3, tốc độ truyền sóng chấn động là 5,5 – 6km/s. Dưới cùng là lớp badan dày trung bình là 20km, tỷ trọng 2,7 – 3,9g/cm^3, tốc độ truyền sóng chấn động là 6,1 – 7km/s. Mặt phân cách giữa lớp granit và lớp bandan là mặt gián đoạn không liên tục (gọi là mặt Conrad).
– Vỏ đại dương:
Vỏ đại dương phân bố ở các nền đại dương, dưới tầng nước biển và đại dương, bề dày trung bình là từ 5 – 10km. Từ trên xuống dưới có hai lớp chính: trên cùng là lớp trầm tích trẻ có bề dày từ 0m (ở vùng sống núi đại dương) đến vài km, trung bình khoảng 300m, tỷ trọng 1,93 – 2,3g/cm^3, tốc độ truyền sóng là 2km/s. Bên dưới là lớp badan có bề dày từ 1,7 – 0,8km, tốc độ truyền sóng là 4 –.6km/s, tỉ trọng 2,59g/cm^3. Ở vỏ đại dương lớp granit hầu như không tồn tại.
(Nguồn: Địa lí tự nhiên đại cươn g, tập 1 – Nguyễn Trọng Hiếu, Phùng Ngọc Đĩnh, NXB Sư phạm, H, 2003)