Thuyết “Kiến tạo mảng” và thuyết “Lục địa trôi”
Đây là hai luận thuyết khác nhau. Thuyết Kiến tạo mảng luận bàn về sự chuyển động của các mảng lục địa và đại dương. Thuyết này ra đời vào những năm 60 của thế kỉ XX trên cơ sở thuyết Lục địa trôi của nhà bác học người Đức Vê-ghê-ne.
Thuyết Lục địa trôi được Vê-ghê-ne công bố vào năm 1915 dựa vào những chứng cớ: sự khớp nhau của đường bờ biển (ví dụ bờ Đông của Nam Mĩ với bờ Tây của châu Phi); sự khớp nha u về đá và cấu trúc địa chất (ví dụ: đá có tuổi cacbon ở Anh và vùng núi Apalat ở Bắc Mĩ, các lớp phủ badan ở G-ron-len và các đảo ở Bắc Mĩ...); sự giống nhau của một số loài sinh vật cổ của Nam Mỹ và châu Phi.
Vê-ghê–ne cho rằng ở đại Cổ sinh, trên Trái Đất chỉ có một lục địa thống nhất là siêu lục địa nguyên thủy Pan-ge–a (trong tiếng Hy Lạp: pan nghĩa là toàn bộ, gea nghĩa là đất). Ông cho rằng khoảng 150 triệu năm trước, Pan-ge–a bắt đầu nút ra thành từng mảng. Trong giai đoạn đầu lục địa Pen-ge–a tách ra thành lục địa Nam Cực, châu Úc, Ấn Độ và châu Phi – Nam Mĩ. Về sau Nam Mĩ và châu Phi và lại bị tách ra và tạo thành Đại Tây Dương.
Tuy nhiên, với sự tiến bộ của khoa học sau này đã có rất nhiều số liệu mới chứng tỏ không chỉ lục địa di chuyển mà các đại dương cùng với lục địa cũng chuyển động. Nhờ đó, các nhà bác học đã bổ sung, xây dựng nên học thuyết “Kiến tạo mảng” (còn gọi là thuyết Tách giãn đáy đại dương, hoặc thuyết Kiến tạo toàn cầu). Theo thuyết này thì bề mặt Trái Đất được chia thành 7 mảng lớn và một số mảng nhỏ. Mỗi mảng gồm cả phần lục địa và đại dương, riêng mảng Thái Bình Dương chỉ gồm có phần đại dương. Các mảng này nhẹ và nổi trên lớp vật chất dẻo quánh của Man-ti trên và di chuyển chậm chạp, trong khi di chuyển chúng có thể xô húc nhau hoặc tách xa nhau.
Luận thuyết này cho rằng trước đây chừng 300 triệu năm đã tồn tại hai lục địa Gon-va-na và Lo-ra-xi–a. Đại lục Gon–va-na gồm có Nam Mĩ, châu Phi, Ấn Độ, châu Úc và lục địa Nam Cực. Địa lục Lora–xia gồm có Bắc Mĩ và Bắc Âu – Á. Sau đó hai đại lục này bị tách ra và khoảng 1 triệu năm trước thì có hình dạng như ngày nay.
(Nguồn: Địa lí tự nhiên đại cương, tập 1 – Nguyễn Trọng Hiếu, Phùng Ngọc Đĩnh, NXB Sư phạm, H, 2003)