Robot hóa nhân vật
Trong cuốn Lược sử tương lai, nhà sử học Yuval Noah Harari cho rằng “con người là các thuật toán sản sinh ra”, “những thuật toán kiểm soát con người hoạt động qua cảm giác, cảm xúc và suy nghĩ”. Kazuo Ishiguro sẽ làm rõ điều đó hơn qua các hình tượng nghệ thuật sống động, và cảnh báo điều đó rõ hơn qua cách ông robot hóa nhân vật. Những nhân vật tập truyện ngắn này không do dự lâu trên ranh giới của nhân tính và phi nhân tính. Lựa chọn giữa tình yêu, tình thân, tình bạn và lợi ích, giữa lãng mạn và thực dụng, giữa kẻ khác và mình, gần như họ đều ngả theo vế thứ hai. Trong hành trình “đi tìm con người trong con người” (Dostoevsky), Ishiguro chỉ tìm thấy sự biến màu, đổi chiều theo hướng trần trụi. Dưới ngòi bút của “bậc thầy phân tích nhân tính” (Hàm Đan), những con người giàu cảm xúc, mơ mộng, tương đối trong trẻo bước vào và những kẻ thực dụng, vị kỉ, đầy ngụy biện bước ra. Chúng tôi tạm gọi cách thức đó là sự robot hóa nhân vật. Dưới con mắt tinh tường của Ishiguro, các nhân vật hiện ra trong bản chất của sinh vật sở hữu những thuật toán sinh tồn siêu đẳng. Họ đều là những chiến lược gia tài tình của trò chơi cuộc đời. Tony Gardner tính toán để vãn hồi hào quang đang mờ dần bằng cách quẳng đi cuộc hôn nhân, trong sự đồng thuận của người vợ cũng đang tính cách “thoát ra” khỏi con thuyền sắp đắm. Helen tìm đường rời khỏi căn phòng chật chội, như một biểu tượng về cuộc hôn nhân đầy tình yêu nhưng vô vọng về vật chất. Cô khuyên người chồng mà cô vẫn còn tha thiết yêu – Steve – nhận món tiền từ người chồng mới trước khi anh ta thay đổi ý định. Quản lí của Steve – Bradley – còn tính toán xa hơn và phỏng đoán “kế hoạch cẩn thận” của Helen cho một ngày cô quay về bên chồng khi anh đã đủ thành công. Charlie, người bạn thân lâu năm của Raymond, lựa chọn thật kĩ cách thức để Raymond xuất hiện như một phiên bản lỗi nhằm nâng cấp phiên bản của mình trong mắt vợ… Có thể nói, bước vào thế giới của Dạ khúc: năm câu chuyện về âm nhạc và đêm buông, xét từ phương diện nào đó, cũng là bước vào một ma trận với vô số những phép tính điều khiển con người. Nhân vật chỉ còn vất vưởng như những xác sống tiến về phía trước bằng bước chân thực dụng. Cùng với mỗi bước chân đó là âm thanh và ánh sáng của dạ khúc chìm khuất, chỉ còn lại sự thăm thẳm của đêm buông.
Trong cuộc phỏng vấn của nhà báo người Hungary, Léval Balázs, Ishiguro từng chia sẻ: “tôi muốn khảo sát xem con người thay đổi ra sao dưới áp lực to lớn của xã hội”. Có lẽ sự robot hóa nhân vật mà ông sử dụng như một thủ pháp khắc họa nhân vật chính là cách thức phù hợp để nhà văn thể hiện kết quả ông đã khám phá được.
Đọc tiếp: Thi pháp nhân vật trong Dạ khúc năm câu chuyện về âm nhạc và đêm buông phần 6