Sao chổi và cao băng Sao chổi:
- Sao chổi
Phần lớn các sao chổi chuyển động quanh Mặt Trời theo quỹ đạo hình ê-líp dẹt. Sao chổi gồm hai bộ phận: đầu và đuôi sao chổi. Chúng có khối lượng nhỏ nhưng thể tích rất lớn. Đầu sao chổi là một lõi rắn (nhân sao chổi) do các khối thiên thạch gắn kết với nhau bởi hỗn hợp tuyết và bụi. Nhân có dạng thon dài, bên ngoài được bao bọc bởi một lớp vỏ khí dày nhưng rất loãng. Khi sao chổi di chuyển đến gần Mặt Trời dưới tác động của nhiệt độ cao, nhân sao chổi phát ra các luồng khí và bụi, tạo nên một cái đuôi hình cái chổi, kéo dài về phía đối diện với Mặt Trời. Chiều dài của đuôi sao chổi có khi kéo dài tới vài trăm triệu km.
Sao chổi Halley là một sao chổi nổi tiếng với chu kì cứ cách 76 năm nó lại bay tới cạnh Mặt Trời một lần. Nó có đường kính vùng sợi chổi dài tới 570.000km. Sao chổi này do nhà thiên văn học người Anh, Halley, sống ở thế kỉ XVII đã dựa vào định luật vạn vật hấp dẫn tìm ra quỹ đạo bay và chu kì của nó vào năm 1682. - - Sao băng:
Sao băng là một loại vật chất Vũ Trụ bay vào tầng khí quyển của Trái Đất bị cọ sát và phát sáng. Những vật chất này di chuyển trong Vũ Trụ với tốc độ và quỹ đạo riêng. Bản thân chúng không bị phát sáng. Đôi khi chúng bay về phía Trái Đất với tốc độ rất nhanh từ 10km tới 70 – 80km/s. Nhưng khi bay vào tầng khí quyển của Trái Đất chúng cọ sát với các phần tử của khí quyển khiến không khí bị đốt nóng tới mấy nghìn độ thậm chí là mấy vạn độ, bản thân những vật chất Vũ Trụ cũng bị đốt cháy và phát sáng. Nhưng chúng không cháy hết ngay mà cháy dần theo quá trình chuyển động của chúng, tạo thành các vệt sáng hình vòng cung. Có trường hợp những vật chất Vũ Trụ quá lớn không kịp chảy hết và rơi xuống Trái Đất, người ta gọi chúng là các thiên thạch.
(Nguồn: Địa lí tự nhiên đại cương, tập 1 – Nguyễn Trọng Hiếu, Phùng Ngọc Đĩnh, NXB Sư phạm, H, 2003)