Quan niệm nghệ thuật về con người trong Mảnh đất lắm người nhiều ma phần 5

Quan niệm nghệ thuật về con người trong Mảnh đất lắm người nhiều ma phần 5

Bởi Học văn cô Hà Huyền 14/09/2024
    1.  

Con người lạc hậu, mê tín

Hoạt động tín ngưỡng, phong tục là những sinh hoạt không thể thiếu trong đời sống tinh thần của con người nhất là ở nông thôn Việt Nam. Tuy nhiên đôi khi, tín ngưỡng dân gian bị biến tướng, con người trở nên cuồng tín. Trong “Mảnh đất lắm người nhiều ma”, hủ tục thể hiện qua việc người dân tin vào thế giới tâm linh đến nỗi thành mê tín, những mưu toan lợi dụng tín ngưỡng cho mục đích nào đó. Mặc dù không xuất hiện nhiều tron g tác phẩm nhưng nhân vật cô Thống Biệu có thể xem như là một biểu tượng cho tín ngưỡng ở Giếng Chùa. Từ ngoại hình đến hành động lẫn những câu nói của cô đều toát lên cái vẻ gì đó thần thánh, ma mị. Cô có tài nhìn được ma, và tự cô cũng dự báo trước cái chết của mình, dọn dẹp những món đồ thờ cúng trước khi ra đi. Tín ngưỡng dân gian còn thể hiện qua câu chuyện về ma núi Ông Bụt, những bóng ma lúc đàn ông khi đàn bà thường hiện ra trêu chọc người sống. Những giai thoại rợn người, bí ẩn như thế, chính là một phần trong đời sống dân gian ở nông thôn. Người ta tin vào những chuyện li kì ấy đến mức, những sự việc vốn dễ dàng có thể lí giải bằng một câu trả lời thực tế, lại bị gán cho là bị ma trêu, bị quỷ bắt, mà cuộc đời của lão Quềnh là một ví dụ. Anh thanh niên Quỳnh thật thà, khỏe mạnh trở nên ngơ ngơ ngẩn ngẩn, và người ta cho rằng do ma nữ hớp hồn; bố của Quỳnh nghe người ta chỉ mải miết đi tìm con cuốc về trị “bệnh” cho anh đến mức “mặt mũi cứ nhớn nhác như người hóa dở” rồi chết. Đến khi lão Quềnh (tức Quỳnh) chết sau một trận đau bụng, người ta tiếp tục gán cái chết của ông là vì đã mạo phạm đến ma núi.

Những đám tang vừa cho thấy được tập tục thờ cúng ở vùng đất này, vừa vạch trần tục lệ cổ hủ, lạc hậu. Trước hết là đám tang của cụ Cố chi họ Vũ Đình, mà thông qua đám tang này ta thấy được bộ mặt nhố nhăng của những kẻ lợi dụng phong tục tín ngưỡng để trục lợi, để khoa trương thanh thế. Chỉ qua cách sắp đặt của ông Phúc trưởng họ đã có thể tượng tượng ra đám tang này long trọng như thế nào, thật đúng là cách tổ chức của gia đình có tiền có quyền thế: hòm đóng bằng gỗ dổi chứ không thể dùng gỗ tạp, chia đội kèn làm hai nhóm một ở cạnh linh cữu một để thổi rước các đoàn thể của làng xã vào nhà, giết con lợn hơn một tạ để đãi khách, buổi tối có lễ cầu hồn “vui lắm, có trống có kèn như đêm hát đêm nhạc”. Nói về buổi cầu hồn, nghi thức này chẳng khác nào là cơ hội cho ông trưởng phường bát âm cùng đội kèn kiếm tiền từ chủ nhà “Tiền đang bay như bươm bướm vào lòng thuyền, và hình như toàn những tờ bạc kha khá cả? Trưởng phường bát âm liếc nhìn lòng càng phấn chấn”. Những câu văn vừa chua chát vừa mỉa mai, đám tang vốn là nơi đầy bi ai nhưng ở đây sao lại giống ngày hội đến thế, nơi có những bóng ma lợi dụng tín ngưỡng, phong tục để giương oai, để thu lợi.

Trái với đám tang long trọng của cụ Cố, thì đám tang của bà Son hay lão Quềnh lại đơn giản đến đáng thương. Với cái cớ nực cười “chết đâu chôn đấy. Làm thế là chiều theo ý các ngài dưới đó, để các ngài khỏi quấy quả”, Quàng quấn xác anh mình trong bó chiếu rồi chôn ở hố đồi ông Bụt “nơi xưa nay không ai đặt mộ, vì ở đây rất nhiều mối”. Còn bà Son sau khi chết được hưởng cái đám tang gọn gàng, nhanh nhẹn “người chết bất đắc kỳ tử ở ngoài nhà thì không được đưa vào khỏi giọt gianh để tránh trùng họa”. Ba cái tang, ba người chết, thật đúng với câu “Chỉ có người chết là thiệt thôi”, tưởng đâu nằm xuống mồ đã rũ sạch vướng bận trần gian, song họ vẫn chịu bó buộc không ít từ cái gọi là tục lệ truyền thống, từ suy nghĩ tư lợi của người còn sống.

          Đọc tiếp: Quan niệm nghệ thuật về con người trong Mảnh đất lắm người nhiều ma phần 6

zalo

Đăng ký sách

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký khóa học

messenger
08985 888 22