Phân tích bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy hay nhất
Mở bài:
Chúng ta đã từng biết đến vầng trăng như người bạn tri âm với người tù cộng sản trong bài Ngắm trăng của Hồ Chí Minh. Đến với bài thơ “Ánh trăng” của Nguyễn Duy đã làm phong phú thêm vẻ đẹp cũng như ý nghĩa của vầng trăng đã quen thuộc với con người từ ngàn đời nay. Bài thơ như một câu chuyện nhỏ được kể theo trình tự thời gian để bộc lộ những tâm sự của tác giả trước sự đổi thay của cuộc sống.
Thân bài:
Luận điểm 1: Mở đầu bài thơ là tình cảm của con người với ánh trăng trong kí ức
Hồi nhỏ sống với đồng
với sông rồi với bể
hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kỉ
Ánh trăng gắn với những kỉ niệm trong sáng thời thơ ấu tại vùng quê, nhớ đến trăng là nhớ đến không gian bao la, rộng lớn. Ngay ở những câu thơ đầu tác giả đã nhắc đến vùng không gian quen thuộc như; “đồng, sông, bể” để gợi đến nơi cất giữ bao kỉ niệm của một thời thơ ấu. Cũng chính nơi đó ta bắt gặp hình ảnh vầng trăng hiền hoàn, dịu mát. Khi vào chiến trường, trăng luôn sát cánh bên người lính, họ cùng nhau ra mặt trận và cùng nhau vượt qua những đau thương, khốc liệt bom đạn của kè thù. Trải qua những tháng ngày gần gũi, thân thiết bên nhau và họ đã trở thành “tri kỉ”. Một người bạn thân thiết, hiểu nhau và sẵn sàng chia sẻ ngọt bùi cùng nhau gắn bó, keo sơn.
Con người khi đó sống giản dị, chân thật trong sự hòa hợp với thiên nhiên coi thiên nhiên (vầng trăng) là một phần không thể thiếu của bản thân mình.
Trần trụi với thiên nhiên
hồn nhiên như cây cỏ
ngỡ không bao giờ quên
cái vầng trăng tình nghĩa
“Trần trụi, hồn nhiên” là vẻ đẹp bình dị, hiền hòa và vô tư một vẻ đẹp không cần tô son điểm phấn. Hình ảnh so sánh ngang bằng mà tác giả sử dụng đã nhấn mạnh sức quyễn rũ, ngây thơ của ánh trăng. Cái vầng trăng giản dị, mộc mạc ấy chính là những tâm hồn cao đẹp của con người vùng quê, những con người của đồng, của sông và của bể cùng người lính chân chất. Chính vẻ đẹp hồn thiên đó đã khiến nhân vật trữ tình phải thốt lên: “ngỡ không bao giờ quên; cái vầng trăng tình nghĩa”. Câu thơ như một lời cam kết, một lời khẳng định về “tình nghĩa” giữa người và trăng, một mối quan hệ dường như mãi mãi không bao giờ phai nhạt. Trăng vẫn vậy, vẫn một tình cảm thủy chung, tình nghĩa. Thế nhưng, khi con người về thành phố, cuộc sống đã đổi thay thì tình cảm con người cũng thay đổi.
Luận điểm 2: “Từ hồi về thành phố” tình cảm con người với trăng đã đổi thay.
Từ hồi về thành phố
quen ánh điện, cửa gương
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường
“Thành phố” là không gian trái ngược với núi rừng, nơi đó có “ánh điện, cửa gương” tượng trưng cho một cuộc sống đầy đủ, sung túc và có phần xa hoa của người lính sau khi bước ra khỏi cuộc chiến tranh.Và rồi, chính cuộc sống sung túc đó đã khiến con người quên đi bạn “tri kỉ” của mình để khi “vầng trăng đi qua ngõ/ như người dưng qua đường. Tác giả sử dụng phép nhân hóa rất sáng tạo khiến người đọc hình dung vầng trăng trong câu thơ như người đồng chí, đồng đội chất chứa nghĩa tình. Nhận xét -> Nhưng hai tiếng “người dưng” như muốn khắc sâu vào tâm trí người đọc bao đau đớn, xót xa bởi tình cảm keo sơn, thiêng liêng dường như đã chấm hết. Bình luận -> Phải chăng những công việc mưu sinh bộn bề với vật chất nơi phồn hoa đô thị đã khiến con người quên đi giá trị tinh thần, quên đi quá khứ và quay lưng với bạn tri khỉ đã gắn bó với mình suốt một thời thơ ấu? Cuộc sống hiện đại với ánh sáng chói lóa của ánh điện, cửa gương đã làm lu mở ánh sáng dịu mát của vầng trăng- ánh sáng của tình nghĩa? Sự đối lập giữa hình ảnh vầng trăng tri kỉ, tình nghĩa trong quá khứ và vầng trăng “như người dưng” trong hiện tại đã diễn tả những đổi thay trong tình cảm của con người. Nhận xét, đánh giá nghệ thuật -> Giọng thơ như trầm xuống mang nét lạnh lùng, nhức nhối, xót xa để nhấn mạnh một điều bội bạc, nhẫn tâm vẫn thường xảy ra trong cuộc sống đời thường. Liên hê -> Bởi vậy mà trong thơ Tố Hữu lên tiếng hỏi: Thuyền về có nhớ bến chăng?/ bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền.
Luận điểm 3: Khi “đèn điện tắt” cũng là lúc con người nhận ra vẻ đẹp kì diệu của vầng trăng
Thình lình đèn điện tắt
phòng buyn- đinh tối om
vội bật tung cửa sổ
đột ngột vầng trăng tròn
Sự xuất hiện của vầng trăng thật đột ngột và đúng thời điểm mà không ai ngờ tới. Tình huống mất điện thình lình trong đêm khiến con người vốn đã quen với ánh sáng, cửa gương nay không thể chịu nổi cảnh tối om nơi căn phòng hiện đại.
“Đèn điện tắt” vừa mang ý nghĩa tả thực là mất đi ánh sáng do con người tạo nên vừa mang ý nghĩa ẩn dụ đó là diễn tả một biến cố, một khó khăn bất ngờ ập đến với con người. Lúc này con người bỗng phải đối diện với thực tại mù mịt, tăm tối. Trong lúc đèn điện tắt và căn phòng buyn- đinh tối om thì con người có phản xạ rất nhanh “vội bật tung” cửa sổ để tìm thấy ánh sáng. Hình ảnh vầng trăng tròn đã xuất hiện tình cờ và tự nhiên, đột ngột hiện ra giữa bầu trời trong vắt rồi chiếu vào căn phòng tối om kia, chiếu lên khuôn mặt đang nhìn trời, nhìn trăng. Tình huống gặp lại trăng tạo bước ngoặt mạnh mẽ trong tình cảm của nhân vật trữ tình, ánh trăng đã đánh thức sự lãng quên của con người mà bấy lâu nay đã phụ tình phụ nghĩa.
Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng là bể
như là sông là rừng
Tư thế “ngửa mặt lên nhìn mặt” là tư thế chủ động, mặt đối mặt, lúc này con người có cảm xúc rưng rưng bộc lộ tâm trạng xúc động, xao xuyến khi gặp lại người bạn tri kỉ của mình. Lời bộc bạch của nhân vật trữ tình lúc này là nước mắt và đôi hàng mi đã ướt, một cảm giác khó nói lên thành lời mà con người muốn gửi đến trăng bởi trăng vẫn một tấm lòng chân thành, thủy chung và đầy bao dung, độ lượng.
Và rồi, quá khứ đã ùa về trong tâm trí như một thước phim quay chậm, quá khứ thân thuộc gắn bó ấy có “đồng”, “sông và bể” với vẻ đẹp nguyên sơ, trong sáng. Những thứ mà con người khi ra thành phố tưởng chừng sẽ không gặp lại. Bình luận ->Với chất thơ mộc mạc cùng ngôn ngữ giản dị và hình ảnh rất thực đoạn thơ như một câu chuyện nhỏ phản ánh thực tại cuộc sống con người trong xã hội, câu chuyện để lại cho chúng ta nhiều suy nghĩ về sự thay đổi trong cuộc sống.
Luận điểm 4: Vầng trăng trong khổ thơ cuối như một triết lí nhân văn sâu sắc
Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình
Hình ảnh “trăng tròn vành vạnh” là hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp, vầng trăng viên mãn và tượng trưng cho một quá khứ thuỷ chung son sắt mà vẫn vẹn nguyên không so đo, tính toán mặc cho con người đã đổi thay theo guồng quay của vật chất. Trăng chỉ “im phăng phắc”, trăng không nói gì, trăng chỉ nhìn, nhưng cái nhìn đó đủ khiến cho con người “giật mình” và bừng tỉnh.
Bình luận-> Hình ảnh “ánh trăng im phăng phắc” như một sự nhắc nhở và cảnh tỉnh những ai đã vội vàng quên đi cội nguồn, quên đi quá khứ đặc biệt là quá khứ khó khăn mà có người cùng đồng cam cộng khổ. Cái “giật mình” kết thúc bài thơ khiến cho tất cả chúng ta muôn trùng suy ngẫm. Phải chăng đó là cái “giật mình” trước tấm lòng bao dung, độ lượng và sự tình nghĩa của vầng trăng? Hay là cái “giật mình” trước sự vô tình, bạc bẽo của mình trong cách sống? Ánh trăng thật sự đã như một tấm gương phản chiếu để thấy được gương mặt thực của mình, để tìm lại cái đẹp tinh khôi mà chúng ta tưởng đã ngủ quên trong quá khứ.
Nhận xét nghệ thuật ->Cái độc đáo và khác biệt là cả bài thơ chi có duy nhất một dấu chấm ở cuối bài và chỉ viết hoa chữ đầu mỗi khổ. Bài thơ đang chảy theo dòng cảm xúc thời gian và câu chuyện thực tế của nhân vật trữ tình.
Kết bài:
Bài thơ “Ánh trăng” của Nguyễn Duy tuy không khai thác vẻ đẹp của vầng trăng nhưng ánh trăng trong thơ đã để lại nhiều suy ngẫm cho người đọc về triết lí sống. Đó là lời nhắn nhủ không chỉ dành riêng cho người lính chống Mĩ mà nó còn ý nghĩa với tất cả mọi người, mọi thời đại - trong đó có chúng ta về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”. Vẻ đẹp ấy mới chính là vẻ đẹp trong văn chương vì thơ không chỉ ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên, con người mà còn “dạy” ta cách học làm người và những điều nhân văn trong cuộc sống.