Ngôn từ nghệ thuật trong tác phẩm Thiền uyển tập anh phần 1

Ngôn từ nghệ thuật trong tác phẩm Thiền uyển tập anh phần 1

Bởi Học văn cô Hà Huyền 13/09/2024

Tóm tắt: Thiền uyển tập anh lầ nguồn tư liệu quý trong hoạt động nghiên cứu văn hóa, triết học, lịch sử, nó cũng là cuốn sách xếp vào loại cổ nhất của văn học dân tộc. Qua việc khảo sát ngôn từ trong các truyện viết về các Thiền sư trong tác phẩm Thiền uyển tập anh, ta thấy được nghệ thuật sử dụng ngôn từ của đội ngũ tác gia Thiền sư, từ đó phác họa ra những nét có bản về cảm hứng chủ đạo, hệ thống chủ đề, hình tượng,…

Từ khóa: ngôn từ nghệ thuật, Thiền uyển tập anh, Thiền sư, văn học  dân gian và văn chương bác học, văn ngôn và bạch thoại.

Mở đầu

Thiền uyển tập anh là tập sách nói về các vị Thiền sư Việt Nam từ cuối thế kỉ thứ VI đến đầu thế kỉ thứ XIII. Ngoài việc là tài liệu cổ nhất về đạo Phật mà chúng ta hiện có Thiền uyển tập anh còn là “một tập chân dung các nhà Thiền học, với những phác họa đôi khi rất có cá tính, đã vượt khỏi mọi tiểu sử nhạt nhẽo mà đạt đến những chân dung văn học có giá trị…” (Nguyễn Huệ Chi).

Văn học là loại hình nghệ thuật ngôn từ, cho nên từ ngữ là yếu tố đầu tiên, không thể thiếu, nó là chất liệu, là phương tiện để tác gia sáng tạo và xây dựng hình tượng thơ. Việc sử dụng từ vựng, từ loại trong các bài thơ Thiền của tác gia Thiền sư cũng có ít nhiều khác biệt so với lựa chọn của các loại hình tác gia khác.

Nội dung

Ngôn từ sử dụng hình ảnh thiên nhiên

          Trước hết về mặt từ ngữ, mặc dù đề tài, chủ đề những bài thơ Thiền hướng tới là Thiền lý và các vấn đề tu đạo nhưng bên cạnh lớp Thiền ngữ, Phật tích, điển tích, thì các tác gia Thiền sư vẫn sử dụng kết hợp số lượn g khá nhiều những loại từ ngữ bình dân của đời thường. Đa số là những từ ngữ chỉ các hiện tượng tự nhiên: mây, gió, mặt trăng, mặt trời, tuyết, sương, sấm chớp… Ngoài ra còn có rất nhiều những danh từ chỉ cây, con, vật dụng… quen thuộc trong đời sống thường nhật xuất hiện trong thơ Thiền như: cây trúc, hoa mẫu đơn, hoa cúc, hoa mai… con rùa, con dê, chim oanh, bướm, khỉ, vượn… những vật dụng như: gậy, chõng, giường…

Về mặt từ loại, cả động từ, danh từ, tính từ đều được sử dụng trong thơ Thiền, nhưng có thể nhận thấy được dùng nhiều nhất là danh từ sau đó đến tính từ và động từ. Danh từ thì phần nhiều là những khái niệm của Thiền, Phật bên cạnh đó cũng có những danh từ chỉ những hiện tượng, sự vật của cuộc sống đời thường. Khi kết hợp danh từ với động từ và tính từ để tạo thành một danh ngữ thì các tác gia Thiền sư thường sử dụng danh từ đơn từ đơn kết hợp với một tính từ đơn hoặc động từ đơn. Ví dụ như: rùa mù, núi xanh, cúc vàng, trúc xanh, trúc tốt, thông xanh… hay như: hoa nở, hoa rụng, oanh hót, gió lùa, bướm bay…

Ngôn từ sử dụng Thiền ngữ

Thơ Thiền được làm ra trước hết để bàn về những vấn đề Thiền lý cho nên trừ những trường hợp hãn hữu ra thì chúng không thể không dùng đến các Thiền ngữ (các phạm trù, khái niệm, danh từ Phật học). Thơ Thiền trong Thiền uyển tập anh hầu hết đều xuất hiện những danh từ của Phật học.

Khảo sát trên 40 vị Thiền sư để lại thơ Thiền thì gần như không có vị nào không sử dụng các từ Phật học, dù ít hay nhiều, những từ được dùng phổ biến nhất như:  Pháp, Tâm, Vô ngại, Bản lai, Chân tông, Không không, Sắc tướng, Giác liễu, Giới giới, Bát nhã, Phật, Pháp tính, Diệu tính, Diệu thể, Sắc thân, Chính giác, Ma ni, Bất muội, Tự giác, Giác tha, Thực tướng, Huyễn thân, Diện bích, Ngộ đạo, Ngũ uẩn, Niết bàn, Sinh tử, Phật tử, Bồ Tát, Tham dục, Tự tâm, Truyền tâm, Liễu ngộ, Bất tư nghì, Như Lai Tạng, Đại thiên sa giới, Nhị huyễn, Huyễn Pháp, Huyễn tu, Tam Bảo, Bất tri hà xứ, Tam muội, Chân thân, Như Lai, Lục thức, Vô minh, Giác ngộ, Mê, Hoặc, Thiền, Thích Ca, Di Lặc,... Đây là những từ ngữ mang tính thuật ngữ của Phật giáo Thiền tông. Tất cả đều nói về bản thể của sự vật, của vũ trụ, đồng thời liên quan đến con đường tu chứng của bản thân các vị Thiền sư.

Bên cạnh những danh từ Phật học kể trên, thơ Thiền còn thường xuyên xuất hiện và lặp lại các cặp phạm trù: sinh - tử, hữu - vô, thực - ảo…

Đọc tiếp: Ngôn từ nghệ thuật trong tác phẩm Thiền uyển tập anh phần 2

zalo

Đăng ký sách

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký khóa học

messenger
08985 888 22