Loài vật trong truyện ngắn Muối của rừng
Bên cạnh nhân vật là ông Diểu – chủ thể tác động tới tự nhiên, Nguyễn Huy Thiệp còn xây dựng thế giới loài vật là đại diện cho thiên nhiên vốn có – đối tượng bị tác động bởi con người. Gia đình của con khỉ đầu đàn vừa là mục tiêu săn bắt cho lòng tham đê tiện của con người nhưng đồng thời cũng là lí do trực tiếp khiến cho gã thợ săn thức tỉnh. Trước sự truy đuổi và săn lùng của ông Diểu, con khỉ cái dù sợ hãi nhưng không vì thế mà chạy trốn. Khác với những gì ông Diểu nghĩ, việc con khỉ đầu đàn bị thương lại chính là mồi lửa để làm rực cháy lên tinh thần bảo vệ đồng loại, bảo vệ gia đình của lũ khỉ. Điều này khiến cho ông Diểu nhận ra sự khác biệt giữa thế giới con người mà ông đang sống với thế giới tự nhiên mà ông từng trải qua. Không chỉ có khỉ cái, đến ngay cả con khỉ con cũng khiến ông bất ngờ và sửng sốt khi sẵn sàng liều mạng để ngăn ông khỏi việc đi săn. Chính những loài vật đó khiến cho ông nhận ra những giá trị đạo đức cốt lõi mà dường như đã bị lãng quên.
Xây dựng nhân vật là các loài vật, Nguyễn Huy Thiệp đã dùng hàng loạt những diễn biến hành động của chúng để từng bước thức tỉnh một con người u mê, lạc lối trong thú vui tàn nhẫn. Ở chúng không có miêu tả suy nghĩ, không có những cuộc đấu tranh nội tâm gay gắt, mọi thứ chúng làm đều tuân theo là bản năng cấu kết cộng đồng – điều mà có sẵn từ tự nhiên. Thế nhưng đó cũng là điều đang mất dần do sự du nhập của văn hóa văn minh hiện đại. Loài vật trong truyện ngắn Muối của rừng không chỉ là đối tượng chịu sự tác động của con người mà ngược lại, chính nó cũng tác động lên con người. Con người và loài vật trong truyện vừa có sự đối lập nhưng cũng có sự tương tác qua lại lẫn nhau, gắn kết chặt chẽ với nhau. Lũ khỉ chính là hình ảnh của thiên nhiên, hay cụ thể hơn chính là hình ảnh của con người nguyên thủy sơ khai, khi còn sống trong sự hòa nhập với tự nhiên, sống theo những giá trị nguyên bản vốn có.
Thế giới nhân vật trong tác phẩm chỉ gồm con người là ông Diểu và loài vật là gia đình con khỉ đầu đàn nhưng cũng đủ để người đọc có thể nhận ra được lời cảnh tỉnh về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên. Bởi không cần số lượng nhân vật đồ sộ nhưng với cách chọn lựa nhân vật tinh tế, truyện ngắn cũng khiến cho người đọc phải suy ngẫm.
Kết luận
Qua việc nghiên cứu tác phẩm truyện ngắn Muối của rừng từ góc độ thi pháp thể loại, có thể nhận thấy một số đặc điểm như sau: về kết cấu, nổi bật ở truyện là kết cấu đối lập, xây dựng các nhân vật trong sự đối nghịch, mâu thuẫn nhưng lại có sự tác động tới nhau để hoàn thành một quá trình tự nhận thức của nhân vật. Bên cạnh đó, Nguyễn Huy Thiệp cũng khéo léo đặt điểm nhìn từ bên ngoài khiến cho truyện trở nên khách quan, đa chiều, cảnh tỉnh con người trước hiện trạng đối xử với thiên nhiên, đồng thời gửi gắm mối quan tâm tới sinh thái tự nhiên. Với cách tạo dựng không – thời gian ngắn, hẹp tiêu biểu của truyện ngắn, tất cả chỉ xoay quanh một chuyến đi săn trong khu rừng đầy chân thực, nhà văn vẫn khiến người đọc phải trăn trở, suy nghĩ. Nhìn chung, những thành công trên đã góp phần làm nên tính đặc trưng cho thể loại truyện ngắn trong Muối của rừng, giúp đặt ra một vấn đề nhức nhối trong thực tại: con người trong quan hệ với tự nhiên.
Đọc tiếp: Muối của rừng dưới góc độ thi pháp thể loại truyện ngắn phần 1