Nội dung
Kết cấu đối lập trong truyện ngắn Muối của rừng
Kết cấu truyện ngắn thường được cấu thành từ số lượng sự kiện tương đối hạn chế, thay vì có sự đan xen, chồng chéo các sự kiện, truyện ngắn chọn cho mình một cấu trúc đơn giản đó là cốt truyện hạt nhân. Trong truyện ngắn, người đọc dễ dàng có thể tìm ra được một sự kiện cốt lõi làm nên cốt truyện, và để hạn chế sự nhàm chán trong cách tổ chức truyện, các nhà văn có xu hướng triển khai tác phẩm của mình theo hai hướng: theo lối hồi tưởng hoặc theo lối đối lập. Trong truyện ngắn Muối của rừng, Nguyễn Huy Thiệp hướng tác phẩm của mình theo lối kết cấu đối lập.
Nổi bật trong tác phẩm là sự đối lập giữa vị trí, tâm trạng, hành động của nhân vật. Ông Diểu là người đi săn, được sắm những trang thiết bị hiện đại là kết quả của nền văn minh xã hội, là con người với nhận thức, suy nghĩ, cảm xúc về thế giới thực tại. Đối lập hoàn toàn với ông là những mục tiêu bị săn như bầy chim xanh, đôi gà rừng hay lũ khỉ. Chúng là những loài sinh vật từ tự nhiên, sống tách biệt với xã hội văn minh loài người, hành động và tồn tại nhờ vào bản năng vốn có. Với vị thế vượt trội hơn, ông vào rừng với tư thế của một kẻ mạnh, một kẻ chống lại tự nhiên và tự cho mình quyền lực để tác động, biến đổi thế giới tự nhiên ấy. Kẻ yếu trong trạng thái bị động là bầy khỉ, là thiên nhiên luôn nỗ lực tự bảo vệ sự sống của mình khi đứng trước nguy cơ bị đe dọa bởi những kẻ được cho là có nhận thức. Sự đối lập còn thể hiện qua tâm trạng, hành động của hai bên nhân vật. Ông Diểu luôn trong trạng thái phấn khởi, nóng lòng khi bắt đầu chuyến đi săn còn ngược lại, bầy khỉ lại mang tâm trạng lo lắng, sợ hãi, hoang mang bởi phát đạn từ cây súng của con người. Bởi mang tâm thế của kẻ đi săn nên ông Diểu luôn trong quá trình đi săn lùng, truy tìm và đuổi theo lũ khỉ khiến chúng phải không ngừng tìm cách chạy trốn. Tuy nhiên, toàn bộ vị trí, tâm trạng và hành động của hai bên nhân vật được đảo ngược ở nửa sau truyện. Từ người chủ động, ông Diểu rơi vào thế bị động, bị con khỉ cái theo đuôi và phải trả con khỉ đực trở về với khu rừng, ông cũng thất bại trong chuyến đi săn, ra về tay trắng thậm chí mất toàn bộ những gì đem theo. Đó là cái giá ông phải trả cho lòng tham của bản thân.
Bên cạnh đó, truyện còn khắc họa sự đối lập trong từng chi tiết nhỏ như rừng núi nguyên sơ, cheo leo là nơi lũ khỉ ẩn nấp để chống lại những trang bị hiện đại, tân tiến của ông Diển; sự gắn kết đồng loại đối lập với sự cô đơn, lạc loài của con người trong không gian núi rừng rộng lớn; sự tĩnh tại, bình yên của thiên nhiên với sự vận động không ngừng nghỉ và âm thanh chết chóc mà con người mang tới;
… Từ sự đối lập đó, truyện ngắn Muối của rừng đặt ra vấn đề về mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên và đi tới khẳng định con người không thể tồn tại nếu không có thiên nhiên, những kẻ mang tâm lí đối địch hay trục lợi từ tự nhiên sẽ mất tất cả. Và chỉ khi con người thoát khỏi những ràng buộc của xã hội tân tiến, trở về với bản chất đơn sơ nguyên thủy nhất, con người mới có thể hòa vào với tự nhiên để cảm nhận những điều tốt đẹp.
Điểm nhìn và ngôn ngữ trần thuật trong truyện ngắn Muối của rừng
Điểm nhìn trần thuật trong truyện ngắn Muối của rừng
Truyện Muối của rừng được kể theo ngôi thứ ba mang lại sự khách quan cho người đọc. Người kể chuyện không tham gia vào tác phẩm giúp cho câu chuyện được nhìn nhận một cách đa chiều hơn. Qua lời của người kể chuyện, ta có thể thấy được câu chuyện về một chuyến đi săn khiến cho nhân vật Diển – một người thợ săn vì thú vui – thay đổi hoàn toàn nhận thức của mình về cách đối xử với thiên nhiên. Ông Diển xuất phát với niềm vui háo hức bởi sẽ được đem súng ống mà đứa con mới mua, một sản phẩm của văn minh để đi kiếm một con mồi béo bở. Ngay từ đầu, ông luôn trong tâm thế của một kẻ muốn chinh phạt thiên nhiên, đối đầu với tự nhiên. Thế nhưng khi đứng trước những tình cảm bản năng của loài vật, khi trở về với sự trần trụi sơ khai, tách biệt với nền văn minh bên ngoài kia, ông chợt nhận ra sự hòa hợp của mình với thiên nhiên, cảm nhận được những vẻ đẹp vốn có của tự nhiên. Qua ngôi kể thứ ba, nhân vật được tái hiện một cách chân thực với chiều sâu tâm lí và hành động.
Với ngôi kể thứ ba, điểm nhìn xuyên suốt tác phẩm là điểm nhìn từ bên ngoài. Dù vẫn đi sâu miêu tả tâm lí, suy nghĩ của nhân vật nhưng chủ yếu nhân vật được khắc họa thông qua những hành động.
Đọc tiếp: Muối của rừng dưới góc độ thi pháp thể loại truyện ngắn phần 3