Một số núi lửa trên thế giới

Một số núi lửa trên thế giới

Bởi Học văn cô Hà Huyền 25/04/2024

Về một số núi lửa trên thế giới

* Núi lửa Vê-su-vơ.

Nằm bên bờ vịnh Na-ple của I-ta-li-a. Suốt nhiều thế kỉ trước, người ta chưa bao giờ thấy biểu hiện gì ở khu vực này; thế nhưng vào năm 63 hàng loạt các cơn động đất đã diễn ra làm rung chuyển cả khu vực và đến trưa ngày 24/8/79 núi Som-ma bắt đầu trở mình và thảm họa ngày 24/8 này đã chôn vùi suốt 17 thế kỷ cho đến khi chúng được khai quật hai thành phố Herculaneum và Pompeii. Trong năm 79, một phần của núi Som-ma bị sụt lở tạo thành núi Vê-su-vơ như ngày nay.

Trong suốt thời gian hoạt động của núi lửa, thành phố Pompeii bị chôn vùi bởi đá vụn núi lửa, còn dân chúng bị chết ngạt do các khí núi lửa, tro còn một số thì bị chôn vùi. Thành phố Herculaneum bị chôn vùi dưới một lớp tro thấm nước khá dày. Sau năm 79, các đợt phun đá vụn vẫn tiếp tục, thời gian yên nghỉ của Vê-su-vợ lâu nhất là 494 năm; sau đó là các đợt phun dung nham vào năm 1631; đây là đợt phun dung nham đầu tiên của Vê-su-vơ. Trong dung nham có hàm lượng đá vôi khá lớn và chúng có nguồn gốc biển sâu 5km.

* Núi lửa Ka-ra-ka-tau.

Năm 1883, một trong những vụ nổ núi lửa lớn nhất thế giới xảy ra ở Ka-ra-ka- tau thuộc dãy Sun-da Strait giữa Ja-va và Su-ma-tra của In-đô-nê-xi-a. Trước đây Ka-ra-ka-tau là một hòn đảo đơn độc, được nâng lên từ một núi lửa dưới đáy biển. Vào ngày 26/8/1883, một loạt các vụ nổ lớn xảy ra và vào lúc 10 giờ 20 phút sáng ngày hôm sau, một vụ nổ cực lớn đã làm nổ tung hai ngọn núi bên cạnh và một phần của hòn đảo Ka-ra-ka-tau cao 800m đã bị nước biển ngập đến 300m. Tiếng nổ lớn đến mức ở một hòn đảo cách đó 5000km người ta cũng nghe thấy. Nó tạo ra một làn sóng áp suất lan truyền khắp nơi trên thế giới. Kèm theo đó là một trận lụt lớn làm cho 36.500 cư dân trên đảo Ja-va và Su-ma-tra chết đuối. Các cột tro và đá bọt bị bắn tung tóe, tỏa rộng trong không khí với bán kính vài km, còn bụi thì được đẩy lên không trung phân tán khắp nơi trên thế giới và mãi hai năm sau mới rơi xuống và phân hủy. Trong suốt thời gian này, hoàng hôn trên thế giới có màu rất lạ, một vòng tròn đỏ bao quanh Mặt Trời và người ta gọi đó là “chiếc vòng của giáo sĩ”. Từ sau 1883, Ka-ra-ka-tau tái hoạt động đôi lần và hiện đang trong quá trình tái tạo.

* Núi lửa Xanh Hê-len.

Người khổng lồ đang ngủ say, bỗng thức dậy cùng với các tiếng nổ long trời, bắn tung cả đỉnh núi, đó là chuyện xảy ra ngày 18/5/1980 ở núi Xanh Hê-len thuộc bang Oa-sinh-tơn Hoa Kỳ. Trước khi hoạt động, các điềm báo về núi lửa đã xảy ra như động đất và thoát khí đã diễn ra suốt hai tháng liền. Lần hoạt động cuối cùng trước đó của Xanh Hê-len là vào năm 1831.

Núi Xanh Hê-len có độ cao 2.950m so với mực nước biển. Sau khi hoạt động, đỉnh núi này chỉ còn cao 2.560m và như thế hàng loạt tro đá và các khí đã được trút xuống khu vực xung quanh, giết chết 70 người, hàng loạt cây cối, hoa màu và gia súc bị chôn vùi.

(Theo Địa chất cơ sở - Huỳnh Thị Minh Hằng (chủ biên), NXB ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh, 2001)

zalo

Đăng ký sách

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký khóa học

messenger
08985 888 22