Mô hình Vũ Trụ địa tâm và mô hình Vũ Trụ nhật tâm

Mô hình Vũ Trụ địa tâm và mô hình Vũ Trụ nhật tâm

Bởi Học văn cô Hà Huyền 08/04/2024

Mô hình Vũ Trụ địa tâm và mô hình Vũ Trụ nhật tâm.

- Mô hình Vũ Trụ địa tâm:

Mô hình này do nhà toán học, thiên văn học người Hy Lạp, P-tô-lê-mê (100 – 170 sau CN) đưa ra để giải thích chuyển động của các thiên thể. P-tô-lê-mê cho rằng Trái Đất là trung tâm của Vũ Trụ. Vũ Trụ bị giới hạn bởi một mặt cầu chứa các ngôi sao cố định, mặt cầu quay xung quanh một trục qua tâm Trái Đất. Mặt Trời, Mặt Trăng và các hành tinh khác quay xung quanh Trái Đất. Mô hình địa tâm không thể hiện đúng bản chất của Vũ Trụ nhưng lại phù hợp với hiện tượng quay nhìn thấy của bầu trời (nhật động – sự chuyển động không có thật của Mặt Trời trong một ngày từ đông sang tây, mà thật ra là do Trái Đất tự quay quanh trục từ tây sang đông) và phù hợp với giáo lý nhà thờ, nên thuyết này đã chi phối nền thiên văn học châu Âu suốt 14 thế kỉ, mãi tới thời kì Phục hưng mới bị đánh đổ bởi thuyết nhật tâm của Cô-péc-níc.

- Mô hình Vũ Trụ nhật tâm:

Vào cuối thế kỉ XV, đầu thế kỉ XVI, uy tín của nhà thờ ở châu Âu giảm sút. Sự phát triển của khoa học đòi hỏi con người phải biết vị trí của mình trong Vũ Trụ. Mô hình Vũ Trụ nhật tâm của Côpécníc (1473 – 1543) đã ra đời vào năm 1543, trong đó ông khẳng định: Mặt Trời nằm yên ở trung tâm Vũ Trụ; các hành tinh chuyển động quanh Mặt Trời theo quỹ đạo tròn; Trái Đất quay quanh trục trong khi quay quanh Mặt Trời. Mô hình của Cô-péc-níc đã mô tả đúng về hệ Mặt Trời và dựa vào đó người ta có thể dễ dàng giải thích các đặc điểm chuyển động nhìn thấy của các thiên thể, như hiện tượng nhật động... Mô hình Vũ Trụ nhật tâm đánh dấu bước ngoặt trong nhận thức của con người về Vũ Trụ và nó được coi là cuộc cách mạng khoa học – kĩ thuật lần thứ nhất của loài người.

(Nguồn: Địa lí tự nhiên đại cương, tập 1 – Nguyễn Trọng Hiếu, Phùng Ngọc Đĩnh, NXB Sư phạm, H, 2003)

zalo

Đăng ký sách

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký khóa học

messenger
08985 888 22