Nhân vật – điểm nhìn
Hệ thống nhân vật trong truyện ngắn không đồ sộ như tiểu thuyết, tính cách của nhân vật cũng không được thể hiện thông qua đối thoại như kịch. Nhân vật trong truyện ngắn được đặt trong một hoàn cảnh cụ thể, được xây dựng theo nguyên tắc điển hình hóa. Ở Mây trắng còn bay, văn bản có bốn nhân vật gồm: bà cụ, tay vận complet, cô tiếp viên hàng không và nhân vật “tôi”. Trong đó, hai nhân vật được tác giả chú trọng miêu tả là bà cụ và tay vận complet. Nhân vật trung tâm của tác phẩm là bà cụ, những tư tưởng nghệ thuật, tình huống truyện đều được tác giả gửi gắm thể hiện qua nhân vật này. Bên cạnh đó, nhân vật trong tác phẩm đều không có tên cụ thể mà chỉ được gọi tên bằng đặc điểm. Cách xây dựng nhân vật không có tên riêng là dụng ý riêng của nhà văn, ông muốn mượn những nhân vật này để nói bao quát toàn bộ tầng lớp xã hội hiện đại Việt Nam sau năm 1975. Bà cụ đại diện cho những người mẹ anh hùng cô độc, tay vận complet đại diện cho tầng lớp thượng lưu sống hưởng thụ không biết ơn quá khứ.
Nhân vật “bà cụ” chỉ một bà cụ già yếu, lần đầu được đi máy bay với ngoại hình “bé nhỏ, teo tóp” như “chìm lấp vào thân ghế”, “lưng còng” và hai bàn tay “gầy guộc” khắc họa rõ nét vẻ ngoài lam lũ, khắc khổ, nhọc nhằn của người mẹ Việt Nam thời xưa. Tính cách của nhân vật được thể hiện qua từng hành động, từ việc không muốn nhận khay đồ ăn, dồn hết đồ ăn trên khay vào chiếc làn mây, chẳng ăn gì chỉ uống một chút nước lọc. Đến lời nói chủ yếu là các từ ngữ đưa đẩy như “các bác kìa, bác nhỉ, thưa các bác…” hay ví đám mây như cây lá ngoài vườn. Bà cụ đại diện cho một tầng lớp nông dân xưa với tính cách cởi mở, chắt chiu, tiết kiệm. Nhưng qua đó cũng thể hiện một mảnh đời cơ cực, vất vả. Lần đầu tiên được lên máy bay, không dám ăn đồ trên máy bay vì sợ tốn tiền, hồn nhiên hỏi cô tiếp viên mở cửa sổ cho thoáng. Sau ba chục năm con trai hi sinh, cụ mới có cơ hội được đi đến nơi con ra đi, bày biện ban thờ nhỏ ngay trên máy bay chật hẹp. Chứng kiến cảnh bà cụ sợ sệt, van xin tay vận complet ta càng cảm thấy xót xa, thương cảm cho số phận những người mẹ Việt Nam anh hùng sau chiến tranh.
Đối lập với bà cụ là “tay vận complet”, người đọc có thể ngay lập tức cảm nhận được sự sang trọng của nhân vật này qua bộ complet mà hắn mặc. Nghe bà cụ hỏi hết câu này đến câu khác, hắn không đáp lại mà cứ bày ra vẻ “quàu quạu”, thơ ơ khó chịu với từng câu hỏi của bà cụ. Hắn còn thản nhiên châm điếu thuốc ngay trên máy bay trước biển báo cấm hút thuốc, quát nạt bà cụ khi thấy bà bày ban thờ ra, rồi cả việc “sang trọng đứng dậy” mắng cô tiếp viên, sau đó “gần như bước xéo lên đùi tôi, xấn ra lối đi”. Tất cả những hành động đó của nhân vật này đều thể hiện hắn là một kẻ độc đoán, ích kỷ, bất lịch sự đối lập hoàn toàn với diện mạo sang trọng bên ngoài. Nhân vật này cũng không có tên gọi cụ thể, hắn đại diện cho một tầng lớp thượng lưu hiện đại, không coi trọng quá khứ mà chỉ quan tâm đến hiện tại và bản thân mình.
Câu chuyện được kể bằng ngôi thứ nhất, qua điểm nhìn của nhân vật “tôi” một hành khách trên chuyến bay đó và ngồi cạnh bà cụ. Với điểm nhìn này, câu chuyện sẽ thêm phần khách quan, tăng tính xác thực và chân thật, bên cạnh đó còn có thể thay tác giả bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ. Câu chuyện chuyển sang góc nhìn đa chiều khi bà cụ bày ra đồ cúng con mình trên máy bay: cái nhìn cảm thông, đồng cảm của nhân vật tôi, cô tiếp viên và cái nhìn khinh miệt của tay vận áo complet. Mỗi nhân vật sẽ có một điểm nhìn, các đánh giá khác nhau tùy thuộc vào suy nghĩ của nhân vật đó. Bằng việc xây dựng sự đối lập về góc nhìn, suy nghĩ của mỗi nhân vật trước hành động của bà cụ, sự khác biệt giữa bà cụ và tay vận complet. Nhà văn muốn gửi gắm tới người đọc thông điệp: bên cạnh những người nâng niu, trân trọng quá khứ, biết ơn những chiến sĩ hi sinh vì Tổ quốc thì có những người sống vô tình, quên đi sự hi sinh của bao thế hệ trẻ vì đất nước.
Đọc tiếp: Mây trắng cò bay nhìn từ góc độ thi pháp thể loại phần 4