Không gian thời gian nghệ thuật trong Lão Goriot phần 2

Không gian thời gian nghệ thuật trong Lão Goriot phần 2

Bởi Học văn cô Hà Huyền 16/09/2024

Không gian nghệ thuật

Không gian nghệ thuật là môi trường sống của hình tượng nghệ thuật, là sản phẩm sáng tạo của người nghệ sĩ nhằm thể hiện quan niệm về thế giới. Nó còn là hình thức tồn tại của thế giới nghệ thuật, như GS. Trần Đình Sử từng khẳng định: “Không có hình tượng nào không có không gian, không có nhân vật nào tồn tại ngoài một nền cảnh nào đó”. Mỗi nhà văn đều xây dựng một không gian riêng mang tính đặc thù, và mỗi nhân vật chỉ thực sự bộc lộ phẩm chất, tâm lí, tính cách trong không gian của mình.

Xuyên suốt tác phẩm “Lão Goriot”, người đọc nhận thấy được hai không gian đối lập được nhà văn miêu tả với ngòi bút hiện thực: không gian nghèo nàn của quán trọ Vauquer khác hẳn với không gian sang trọng của giới thượng lưu Paris.

Ngay từ những đoạn đầu tiên của tác phẩm, Balzac đã dành ra một thời lượng không nhỏ để miêu tả tỉ mỉ không gian bên ngoài và bên trong quán trọ Vauquer. Khung cảnh xung quanh quán trọ được miêu tả “Hiếm khi ngựa qua lại ở nơi này vì đây là một sườn dốc gập ghềnh nguy hiểm… Nhà cửa ở đây cũng thật nghèo nàn và buồn tẻ, những bức tường im ỉm và cũ mốc như tường của nhà tù.”. Nhìn từ ngoài vào ngôi nhà trọ, người ta thấy lớp vôi vàng ở những tầng trên cùng mà “tự nó tạo ra cho bản thân một sự hèn kém so với tất cả những ngôi nhà thời ấy ở Paris.”. Qua lời kể này, người đọc có thể thấy quán trọ Vauquer đã xuất hiện với vẻ ngoài cũ kĩ, nhàm chán lại nằm ở trong một khu phố yên tĩnh, buồn tẻ gần như bậc nhất của Paris. Mở đầu tiểu thuyết, người kể chuyện đã trò chuyện vài dòng với bạn đọc của mình. Người kể chuyện đã trực tiếp nhận định cho người đọc rằng câu chuyện sắp được kể đây ở không gian quán trọ Vauquer là một “thảm kịch” và sẽ làm người ta xúc động. Nhờ vậy, người đọc đã chuẩn bị tinh thần chứng kiến một câu chuyện buồn, bi hài giữa các nhân vật trong không gian không tạo được chút thiện cảm nào ngay từ khi bắt đầu. Không gian quán trọ này được Balzac miêu tả hoàn toàn đối lập với nơi phố thị phồn hoa trong lòng thành phố Paris. Không gian đối lập ấy đã tạo ấn tượng khác biệt hoàn toàn giữa cuộc sống của hai tầng lớp: thượng lưu và trung lưu trở xuống.

Bên cạnh việc miêu tả không gian bên ngoài quán trọ, Balzac còn dẫn người đọc tiến vào sâu bên trong quán với cách miêu tả tỉ mỉ và chi tiết vô cùng. Trong quán trọ Vauquer xuất hiện rất nhiều đồ vật cũ kĩ, mang hơi hướng cổ điển mà không có vẻ gì là sang trọng. Từ màu sắc đến cách sắp xếp của căn phòng đều không tạo một vẻ chỉn chu và hấp dẫn khách đến ở. Điều khiến tôi ấn tượng nhất trong đoạn này đó là cách tác giả tạo ấn tượng về mùi ở bên trong quán trọ Vauquer, “một thứ mùi không có tên gọi trong ngôn ngữ nên gọi là mùi nhà trọ.”. Giúp người đọc hình dung được về các loại mùi là điều rất khó khăn đối với các nhà văn, nhưng các từ ngữ và cách thể hiện của Balzac đã đủ để người đọc tưởng tượng như đang bước chân vào chính không gian mà tác giả đang vẽ ra và hít hà cái mùi đặc trưng ở đó: “Nó có mùi vị như tất cả các mùi cộng lại: mùi một căn phòng sau bữa ăn tối, mùi hôi nhà bếp, mùi nhà tế bẩn.”, không gian như một nhà kho ẩm thấp, hôi hám của những loài vật lạ. Như vậy, Balzac cho người đọc cảm nhận không gian của các nhân vật của mình với không chỉ thị giác mà cả thính giác, vị giác, xúc giác.

Tất cả những điều đó đã tạo ấn tượng mạnh về sự hèn kém, mục nát, xấu xí ở nơi những người tầng lớp dưới trong xã hội lúc bấy giờ sinh hoạt. Tôi có cảm giác rằng tác giả đang vạch rõ được ranh giới giữa hai tầng lớp này ngay từ không gian sinh hoạt của họ chứ chưa cần đến sự hiện diện của các nhân vật.

Trái hẳn với việc miêu tả không gian quán trọ, nhà văn vẽ ra không gian nơi đô thị Paris phồn hoa bằng dung lượng ít hơn rất nhiều. Tuy nhiên, không cần đi vào quá kĩ từng chi tiết của không gian dành cho giới thượng lưu (phòng khách nhà phu nhân bá tước Beausant) cũng đủ giúp người đọc thấy được những gì xa hoa, lộng lẫy hoàn toàn tương phản với quán trọ bình dân kia. Những vật dụng trong nhà phu nhân bá tước Beausant thật quá đỗi xa xỉ, lấp lánh: “chiếc cầu thang lớn trang trí đầy hoa, có tay vịn bóng loáng, nền trải thảm đỏ.”. Đọc đến đây khiến tôi liên tưởng rằng chiếc cầu thang sang trọng này gợi đến mong muốn tiến thân vào con đường giới thượng lưu của anh chàng Rastignac. Nó thể hiện những cám dỗ mà tầng lớp này đem lại khiến anh không thể cưỡng lại. Trong anh có lẽ cái ý định thay đổi tương lai cho mình xuất hiện từ trước càng lớn hơn sau khi trực tiếp chứng kiến thế giới vật chất đang bày ra trước mắt. Dù vậy, con người của tầng lớp thượng lưu sống trong không gian ấy lại không có sự liên kết với nhau. Các nhân vật dường như lẻ tẻ, mỗi người lại có trong mình một câu chuyện riêng mà không tìm được điểm gặp gỡ để họ có thể xây dựng một mối quan hệ thực sự giữa người với người.

Với các không gian mà Balzac tạo ra trong tác phẩm, tôi thấy có một điểm chung giữa hai kiểu không gian này, đó là dù là rộng và sang như phòng khách nhà phu nhân bá tước Beausant hay hẹp và hèn kém như quán trọ Vauquer thì đều chỉ có một lối ra, lối vào chính là đường thoát duy nhất. Ví như lão Goriot sống hay chết thì cũng chỉ đi qua một cửa. Đặt quán trọ trong tình tiết cái chết của lão Goriot, đây không phải là một nhà trọ cụ thể của riêng Balzac mà là quán trọ cuộc đời. Triết lý này có điểm gặp gỡ với quan niệm của nhà Phật: “Con người chỉ là khách trọ tạm thời trên trái đất này, hay tâm là quán trọ còn thân là khách, sẽ đến ngày khách rời quán trọ ra đi”. Bước ra khỏi quán trọ cuộc đời tức là nơi tạm trú, con người không thể mang theo được thứ vật chất giá trị gì bên mình, nếu làm những điều tội lỗi thì sẽ kết thúc thời gian ở quán trọ cuộc đời nhanh chóng với cách bi thảm nhất. Chỉ với hai không gian điển hình, nhà văn đã khái quát, tạo ấn tượng cho người đọc về Paris.

Đọc tiếp: Không gian thời gian nghệ thuật trong Lão Goriot phần 3

zalo

Đăng ký sách

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký khóa học

messenger
08985 888 22