Phân tích không gian nghệ thuật và thời gian nghệ thuật ta còn thấy được cái nhìn thế giới của nhà thơ. Đó chính là tính quan niệm về nghệ thuật trong sáng tác của mỗi người nhà văn, nhà thơ. Qua bài thơ “Cây trám chua”, ta thấy được một quan niệm nghệ thuật của Tòng Văn Hân được ẩn sâu dưới tầng không gian nghệ thuật và thời gian nghệ thuật. Người con của mảnh đất Điện Biên anh hùng nhìn thế giới bằng một đôi mắt của hoài niệm để “phục dựng” những vẻ đẹp khôi nguyên của hương sắc bản mường. Từ đó kết lại thành bức tranh thơ sáng lên vẻ đẹp của mường bản yêu thương, lung linh vẻ đẹp của tính cách, tâm hồn con người nơi xứ sở. Thơ nói về cây trám chua, nhưng sâu xa hơn chính là nói về quê hương, về tình yêu làng bản, về cái đẹp của tình người, tình người chân chất, mộc mạc, đơn sơ, nhưng sắt son bền chặt bởi vì được bắt rễ nơi tấm lòng sâu thẳm:
“Quả trám nhọn hai đầu
Nhân bùi trong vỏ cứng
Như tình yêu chúng mình
Chẳng sâu nào cắn nổi.”
Phân tích không gian nghệ thuật và thời gian nghệ thuật trong sáng tác của Tòng Văn Hân càng làm nổi bật phong vị thơ mang đậm âm hưởng dân gian trong lối diễn đạt rất gần gũi bằng ngôn ngữ của dân tộc Thái. Nhà thơ đã thả trái tim mình vào thơ với bao nhiêu cảm xúc tự nhiên, hồn hậu, chân thành. Hơn nữa, Tòng Văn Hân đã mang tới cho thơ cái thật, cái chân, như chính phẩm chất tâm hồn của họ - chân thật đến vô cùng. Và bạn đọc cũng sẽ thấy trong thơ cái cách cảm, cách nghĩ rất riêng, thể hiện ra trong ngôn ngữ thơ rất giàu hình ảnh, đầy sức gợi cảm, tự nhiên mà rất đỗi tinh tế, tài hoa, cái tài hoa của người dân tộc Thái.
Trên đất nước Việt Nam yêu dấu của chúng ta có tới hơn 54 dân tộc anh em cùng chung sống. Chúng ta đang xây dựng một nền văn học nghệ thuật đa dân tộc, giàu bản sắc để không đánh mất mình trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ ngày nay. Chúng ta muốn hội nhập với thế giới, phải có cái gì là “của ta” để “nhập” với thế giới, không để “chìm”, để “tan” trong thế giới. Chính vì vậy mà việc gìn giữ bản sắc của mỗi dân dân tộc Việt Nam ta là vô cùng cần thiết trong bối cảnh xã hội hiện nay. “Cây trám chua” như một tiếng lòng nói với thế hệ sau về ý thức giữ gìn bản sắc quê hương, truyền thống dân tộc: “Hỡi những người con đất Việt, đừng bao giờ lãng quên nguồn cội”. Nó thật đúng với ý thơ rất sâu sắc dưới đây của nhà thơ Tòng Văn Hân:
“Quả trám chua cho lòng người ngọt
Quả trám chát cho lòng người thơm
Lá trám toả cho lòng người bản ta gắn kết
Cây trám vút cao để người đi biết nhớ đường về…”
Có lẽ chính nhờ lịch sử bi tráng của quê hương Điện Biên đã hun đúc nên trong tâm hồn nhà thơ Tòng Văn Hân ý thức mãnh liệt về truyền thống dân tộc tự hào: tình yêu quê hương đất nước mà trên hết đó là niềm tự hào kiêu hãnh về những người con anh dũng đã chiến đấu, hy sinh cho quê hương xứ xở, cho Tổ Quốc muôn đời.
Kết luận
Việc phân tích không gian nghệ thuật và thời gian nghệ thuật trong bài thơ “Cây trám chua” đã giúp tôi khám phá một phong vị thơ mang đậm âm hưởng dân gian trong lối diễn đạt rất gần gũi với ngôn ngữ dân tộc Thái của Tòng Văn Hân. Đó là hồn thơ đằm thắm, thiết tha của một người con khi viết về Điện Biên Phủ - nơi biên cương đã đi vào lịch sử, là miền đất sinh thành và còn lưu giữ được bao nét đẹp nguyên sơ của văn hóa bản mường. Ông là nhà thơ có giọng điệu và tiếng nói từ sâu thẳm trong tâm hồn của một người con yêu quê hương, xứ sở. Đọc thơ ông ta thấy được hơi thở bản sắc dân tộc Thái thấm đẫm trong từng câu chữ. Chính những điều này đã giúp nhà thơ tạo ra cho mình một phong cách riêng không trộn lẫn và hơn hết là tạo dựng nên được một thế giới nghệ thuật độc đáo trong thơ Tòng Văn Hân.
Đến với thơ Tòng Văn Hân, người đọc không thể không bị cuốn hút vào vòng xoáy của những câu thơ miên man say đắm và những tứ thơ độc đáo bất ngờ. Nhà thơ đóng vai nhân vật người kể chuyện và kể cho ta nghe câu chuyện gắn với hình ảnh những cây trám chua – một loại quả đặc trưng của quê hương ông. Câu chuyện bằng thơ ấy thật hấp dẫn, sinh động khiến người đọc phải say sưa với nó. Từ đó ta càng thêm mến yêu những người con của núi rừng đã sống một cuộc đời bình dị và sáng trong, cao thượng và mạnh mẽ.
Đọc tiếp: Không gian thời gian nghệ thuật trong Cây trám chua phần 1