Không gian thiên nhiên
Trong ‘‘Truyện Genji’’, M.Shikibu không chỉ xây dựng không gian kinh đô xa hoa mà còn kiến tạo không gian thiên nhiên yên bình. Đó là không gian của những ngôi nhà, biển đảo Suma và vùng núi cao Uji,...
Hình ảnh những ngôi nhà mở ra với những cành trúc la đà lấp lánh ánh sương mai. Điểm vào trong đó là tiếng côn trùng vo ve rộn rã bên tai xuất hiện nhiều vào mùa thu. Với bản chất lâu đời là yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp, vậy nên không gian sống của người Nhật luôn thoáng mát, gần gũi với thiên nhiên, hòa hợp với cây cỏ.
Nằm xa cách với cung đình xa hoa, lộng lẫy, không gian biển đảo Suma mở ra như một thử thách đối với nhân vật khi Genji bị đi đày. Đó là không gian tạo ra bước ngoặt trong cuộc đời của Genji. Từ một chàng công tử quen sống nơi phồn hoa đô hội với những lâu đài nguy nga, tráng lệ, giờ đây anh ta phải đối mặt với cuộc sống cô đơn đầy rẫy khó khăn nơi thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt. Giữa bờ biển Suma với mây trời, sóng biển rộng lớn là hình ảnh cô đơn, bé nhỏ của Genji. Qua góc nhìn và tâm trạng đó của nhân vật, không gian vùng biển Suma được phác họa vô cùng sống động. Nơi đây hoang vu, kì vĩ với tiếng sóng biển xô bờ mạnh mẽ, những bãi cát trắng trải dài vô tận: “Biển trải rộng bao la tít tắp xui khiến chàng nghĩ tới những gì đã qua, những gì còn sẽ tới”. Trong không gian biển rộng mênh mông, vắng lặng ấy có khoảnh khắc: “từ ngoài bãi biển vọng tới tiếng nói, tiếng hát của những người đánh cá, những chiếc thuyền nom mờ mờ ảo ảo giống như loài chim biển dập dềnh trên mặt biển hết sức vắng vẻ”. Giữa cái mênh mông của vũ trụ, ngôi nhà nhỏ bé, xinh xắn của Genji nằm trên đảo cách bờ một quãng khá xa: “Những nhà mái cỏ, những hành lang mái sậy nom cũng khá thú vị, trong vườn có rất nhiều hoa màu sắc rực rỡ đã khiến cho Genji có vẻ như một vị khách thần tiên xuống cõi trần chất chứa nhiều nỗi sầu nhân thế”.
Không gian thiên nhiên trong ‘‘Truyện Genji’’ của nữ sĩ Shikibu không chỉ mang vẻ hoang vu, hùng vĩ mà còn mang vẻ đẹp thanh tịnh, yên bình. Tiêu biểu chính là không gian núi cao vùng Uji. Nơi đây mang vẻ đẹp trầm lặng với mây mù sương phủ, những dòng sông hiền hòa chảy. Nơi chân núi, cuộc sống con người hòa vào với gió ngàn, mây núi tạo nên một bức tranh đẹp đẽ, cuốn hút lạ thường. Bầu trời đem màn sương phủ vào vạn vật: “Sương xuống bao phủ núi rừng; trên một dải đất ven sông, một bầy hạc đang đứng rỉa lông cánh”. Tựa lưng vào sườn núi là những ngôi nhà nhỏ xinh, thấp thoáng khu vườn tràn ngập cây cối xanh tươi. Cuối góc vườn, những khóm ngải hương mọc tươi tốt, xanh rờn. Đêm đêm ánh trăng rải xuống sườn đồi sau núi. Gió nhẹ thoảng qua mang theo tiếng côn trùng kêu rả rích. Trong cái yên bình, lãng mạn ấy cuộc tình của hai chàng trai trẻ Kaoru, Niou với hai người con gái hoàng tử Tám, sau đó là nàng Ukifune đã âm thầm nảy nở nơi núi cao Uji.
Bên cạnh vẻ đẹp lãng mạn, ở vùng Uji còn mang vẻ linh thiêng của những ngôi đền. Nơi đây là đích đến của những người tu hành muốn đắc đạo. Nằm chễm chệ ở đỉnh núi Uji là những ngôi đền được trang trí lộng lẫy, cùng những pho tượng Phật được chạm trổ tinh vi bằng gỗ đàm hương. Đặt cạnh đó là những chiếc đỉnh, khói hương nghi ngút quanh năm trên các mâm hoa sen đủ sắc màu: “Đối với một người muốn sống cuộc sống thanh tịnh thì chốn này có thể chỉ có tác dụng mài sắc thêm quyết tâm của người đó”.
KẾT LUẬN
Với việc tìm hiểu không gian nghệ thuật sẽ góp phần tạo dựng môi trường tinh thần cho con người, con người được bộc lộ bản thân một cách rõ nét nhất. Bên cạnh đó, không gian nghệ thuật giúp thể hiện chiều kích tâm hồn con người nghệ sĩ và dấu ấn cá nhân, dấu ấn dân tộc cũng như dấu ấn
Vậy là có thể thấy, không gian thiên nhiên trong ‘‘Truyện Genji’’ hiện lên vô cùng đa dạng, phong phú. Có lúc nó mang vẻ hoang vu, hùng vĩ đến rợn ngợp. Có khi lại thanh bình, lãng mạn, thơ mộng y hệt dáng vẻ một bức tranh thủy mặc. Thậm chí cũng có thể uy nghi, linh thiêng đầy thành kính. Chính cái đặc sắc, phong phú của không gian ấy đã góp phần tô đậm giá trị của tác phẩm thời đại. Như vậy, với vai trò vô cùng quan trọng đó của không gian nghệ thuật thì thế giới không gian trong “Truyện Genji” của nhà văn M.Shikibu đã phát huy được tác dụng của nó, góp phần thể hiện chủ đề của tác phẩm cũng như tạo dựng được giá trị cao đẹp mà tác giả hướng đến.