Không gian nghệ thuật trong giai đoạn văn học hiện thực phê phán 1930 1945 phần 2

Không gian nghệ thuật trong giai đoạn văn học hiện thực phê phán 1930 1945 phần 2

Bởi Học văn cô Hà Huyền 14/09/2024
  1.  

Không gian hiện thực đen tối, u ám

Trong tác phẩm Tắt đèn của Ngô Tất Tố, ta thấy ngay từ mở đầu tiểu thuyết đã hiện lên một bầu trời u ám, ngột ngạt của xã hội đương thời: “Bắt đầu từ gà gáy một tiếng, trâu bò lục tục kéo thợ cầy đến đoạn đường phía trong điếm tuần. Mọi ngày, giờ ấy, những con vật này cũng như những người cổ cầy, vai bừa kia, đã lần lượt đi mò ra ruộng làm việc cho chủ. Hôm nay, vì cổng làng chưa mở, chúng phải chia quãng đứng rải rác ở hai vệ đường, giống như một lũ phu vờ chờ đón những ông quan lớn. Dưới bóng tối của rặng tre um tùm, tiếng trâu thở phì phò, tiếng bò đập đuôi đen đét, xen với tiếng người khạc khúng khắng…” Không gian nghệ thuật mở ra trước mắt chúng ta một màu sắc ảm đảm của khung cảnh đất nước trước những năm tháng chưa có ánh sáng cách mạng. Đó là hình ảnh con người vất vả đầu tắt mặt tối ngày ngày cày thuê quốc mướn mà không biết đến bao giờ cuộc đời họ mới khấm khá lên được. Bao trùm lấy cuộc đời họ là một bầu không khí ảm đạm của bóng tối bao trùm lên không gian cùng hơi thở mệt mỏi của bầu trời làng quê nghèo đói.

Không gian nghệ thuật còn trở nên đậm nét trong cảnh nông thôn chìm trong màu sắc u tối của tháng ngày sưu cao thuế nặng: “Những tiếng thét đậm, thét đánh đã yên. Người ta không nỡ bắt trói chị Dậu, tuy gặp chị lò mò trong bóng tối và biết chị đích thị là thủ phạm đã gây ra vụ chó sủa, người là, tù và rúc khắp làng”… “Sao thưa dần. Sương mù bắt đầu pha đục bầu trời. Mặt trăng tà tà đến gần mặt lũy. Tiếng gà te tê lần lượt từ nhà nọ truyền đến nhà kia….” Được sáng tác năm 1937, tác phẩm “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố đã phản ánh thẳng thắn hiện thực xã hội đương thời bằng tất cả những giác quan của mình. Ông đã tạo dựng nên một không gian nghệ thuật chân thực qua cảm nhận sắc bén, tinh tế để mang đến cho người đọc một khung cảnh ấn tượng với những gam màu đen tối ảm đạm của bóng tối và sương mù, cùng âm thanh căng thẳng của tiếng thét đánh hòa cùng tiếng chó sủa. Giữa khung cảnh ám ảnh đó là hình ảnh con người chìm trong những nỗi lo toan sưu cao thuế nặng cùng cái chết treo lơ lửng trên đầu những người nông dân Việt Nam.

Không gian văn học trong giai đoạn văn học hiện thực phê phán còn có nét đặc trưng riêng bởi nó chứ đựng biết bao bầu tâm trạng của con người. Trong tác phẩm Lão Hạc của Nam Cao, nhà văn tuy không đi vào miêu tả cụ thể cảnh thiên nhiên nhưng tác giả lại tinh tế sáng tạo nên một không gian nghệ thuật chứa đựng nhiều tâm trạng của nhân vật. Để khắc họa nỗi buồn bã, đau khổ của Lão Hạc khi quyết định bán Cậu Vàng, Nam Cao tinh tế miêu tả gương mặt khắc khổ của lão hiện lên giữa mùi khói thuốc lào trong nắng chiều ảm đạm. Hay hình ảnh số phận bất hạnh của lão khi đã nghèo còn gặp phải trận ốm kéo dài cùng bão lũ phá hoại hoa màu, mùa màng. Không gian nghệ thuật trong tác phẩm đã tái hiện lại cho chúng ta về nỗi đau khổ chung của con người Việt Nam những năm 1930-1945 khi họ vừa nghèo, vừa không có sức lao động, không có việc làm và đặc biệt phải sống trong sự bóc lột của chế độ thực dân nửa phong kiến. Họ bị dồn vào chân tường đến mức phải mò cua bắt ốc, ăn củ chuối, củ ráy để níu kéo từng hơi thở qua ngày như lão Hạc; họ phải bán con, bán chó để có tiền nộp sưu thuế như chị Dậu. Hay nặng nề hơn, họ phải tìm đến cái chết để giải thoát cho cuộc đời mình như Lão Hạc, Chí Phèo. Có thể thấy nét chung trong không gian nghệ thuật của giai đoạn văn học 1930-1945 có một màu sắc đen tối, u ám, qua đó phần nào phản ánh số phận con người của xã hội đất nước lúc bấy giờ.

  1.  

Không gian đối lập giữa cõi thanh và cái tục.

Cõi thanh ở đây là cái đẹp, cái khát vọng sống cao quý của con người giữa cái tục là cái tối tăm, u ám của xã hội đương thời. Bản thân Chí Phèo được xây dựng là một anh canh điền hiền lành lương thiện, hắn được người dân làng Vũ Đại truyền tay nhau nuôi lớn. Chí Phèo ngày ngày chăm chỉ làm thuê cho nhà Bá Kiến với những ước mơ bình thường, giản dị đó là sau này có một gia đình nhỏ, chồng cày thuê cuốc mướn, vợ dệt vải. Ước mơ ấy tưởng chừng trong sáng, bình dị, đơn giản nhưng đối với những người nông dân trong xã hội lúc bấy giờ lại là một điều vô cùng khó khăn. Chí ấp ủ một khát vọng trong sáng nhưng lại đối diện với “cái tục” của xã hội đó là khi bà Ba nhà Bá Kiến gọi Chí đến để đấm lưng, bóp chân cho bà. Sau đấy, chỉ vì một cơn ghen của Bá Kiến mà Chí Phèo bị đẩy vào tù vô cớ. Sau 7,8 năm bị nhà tù thực dân hành hạ đến biến chất, Chí Phèo ra tù với bóng dáng của một con quỷ dữ của làng Vũ Đại: “Trông hắn như cái thằng săng đá! Cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất câng câng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết!..” Không những thế, hắn phủ lên không gian làng quê những tiếng chửi rủa đầy đáng sợ: “Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi…” Có thể thấy, Nam Cao đã phản ánh một hiện thực đầy xót xa lúc bấy giờ đó chính là “cái tục” của xã hội đang dần lấn lướt “cái thanh” của con người. Con người có thể bị tha hóa khi sống trong một xã hội tối tăm, u ám, luôn chà đạp lên quyền sống, quyền tự do, quyền hạnh phúc.

Tuy nhiên, nhà văn Nam Cao vẫn dành cho nhân vật của mình một con đường quay trở về với bản tính vốn có, cũng như sự chiến thắng của “cái thanh” giữa “cái tục” xấu xa trong xã hội. Có thể thấy, tuy nhà tù thực dân đã nhào nặn Chí từ một anh canh điền hiền lành trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại nhưng ở sâu thẳm trong Chí lại là một khát vọng làm người lương thiện. Vào cái ngày chí gặp Thị Nở- một người đàn bà xấu xí, dở hơi nhưng mang trong mình trái tim nhân hậu. Người đàn bà ấy đã cho Chí sự quan tâm, chăm sóc vô điều kiện và chính điều này đã khơi dậy lại khát vọng sống trong Chí. Lần đầu tiên trong cuộc đời của mình, Chí cảm nhận được âm thanh của sự sống và tiếng nói của tâm hồn: “Tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá! Có tiếng cười nói của những người đi chợ. Anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá. Những tiếng quen thuộc ấy ngày nào chả có. Nhưng hôm nay hắn mới nghe thấy…” Không gian nghệ thuật ở đây không còn u tối, ảm đảm nữa mà thay vào đó là không gian trong sáng, sinh động của thiên nhiên. Việc tạo ra một không gian nghệ thuật tươi đẹp ấy dưới con mặt của một người đàn ông mới ngày hôm qua còn là con quỷ dữ mà một phát hiện độc đáo của nhà văn Nam Cao. Tác giả không chỉ tái hiện cái không gian nghệ thuật trong văn học, mà qua đó còn muốn phản ánh sự sống dậy của “cái thanh” trong tâm hồn con người. Bởi có lẽ chỉ khi đủ bình tĩnh con người mới có thể cảm nhận được âm thanh và nét đẹp của thiên nhiên, sự sống. Không những thế, Chí còn cảm nhận được nỗi đáng sợ của tuổi già, sự cô đơn- cái mà xưa nay chưa bao giờ tồn tại trong tâm can của Chí. Đỉnh cao sự quay về của “cái thanh” giữa cuộc đời trần tục là khát vọng Chí Phèo khao khát được làm người lương thiện. Chí muốn được trở về người đàn ông hiền lành ngày xưa và hy vọng Thị Nở sẽ là cầu nối đưa Chí quay về với cuộc sống của con người. Ấy vậy mà, “cái tục” vẫn chưa buông tha cho Chí, cái định kiến xã hội điển hình là bà cô Thị Nở đã một lần nữa cắt đứt sự kết nối của Chí với con người. Cái định kiến ấy đẩy Chí vào một bi kịch đó là bi kịch bị từ chối quyền làm người. Cánh cổng quay về con đường lương thiện gần như khép lại không cho Chí cơ hội để quay về. Và rồi, Chí không chấp nhận điều đó, Chí không thể tiếp tục cuộc sống chấp nhận cái xấu xa, tha hóa của xã hội nhào nặn lên con người mình, và Chí đấu tranh, phản kháng lại bằng cách đâm chết Bá Kiến- đâm chết cái nguyên nhân gây nên nỗi bi kịch của cuộc đời và cùng với đó là kết liễu cuộc đời mình để bày tỏ thái độ “thà chết chứ không tiếp tục một cuộc đời xấu xa”

Đọc tiếp: Không gian nghệ thuật trong giai đoạn văn học hiện thực phê phán 1930 1945 phần 3

zalo

Đăng ký sách

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký khóa học

messenger
08985 888 22