Khả năng phản ánh của kí hiệu bản đồ
Kí hiệu bản đồ gồm có: kí hiệu điểm (biểu hiện các đối tượng phân bố theo điểm; loại kí hiệu này thường có dạng hình học, dạng chữ hoặc dạng tượng hình), kí hiệu tuyến (thể hiện các đối tượng dạng tuyến như: địa giới, giao thông, sông ngòi, đường dây tải điện...) và kí hiệu diện tích (thể hiện các đối tượng phân bố theo diện như: đất trồng, rừng, đồng cỏ chăn nuôi...).
Trong đó các dạng kí hiệu được sử dụng rất đa dạng với nhiều đặc tính khác nhau nhằm phản ánh những đặc tính chất lượng và số lượng của hiện tượng. Các đặc tính đó là: dạng kí hiệu, kích thước kí hiệu, cấu trúc kí hiệu, độ sáng, màu sắc kí hiệu…
Thông qua một ký hiệu, ta nhận biết được vị trí của hiện tượng, loại hiện tượng, quy mô của nó: kích thước của kí hiệu cho ta biết đặc tính số lượng của hiện tượng. Có thể biết được cấp phân vị của hiện tượng qua cấu trúc bên trong của kí hiệu, theo độ sáng hay màu sắc. Có thể vẽ thêm một nét phụ theo dạng chung (một nét, nét đứt quãng, hai nét kề nhau hay thay đổi độ đậm của nét vẽ) ta có thể biểu hiện cả tính thời gian của hiện tượng (xảy ra trên 100 năm, 50 năm trở lại hoặc đang tồn tại, đang hủy diệt hoặc đã mất hẳn...).