Kết cấu nghệ thuật trong tác phẩm Một ví dụ xoàng phần 3

Kết cấu nghệ thuật trong tác phẩm Một ví dụ xoàng phần 3

Bởi Học văn cô Hà Huyền 04/11/2024
  1.  

Kết cấu đa tầng, xoắn kép trong tác phẩm Một ví dụ xoàng của Nguyễn Bình Phương

Kết cấu đa tầng, xoắn kép là tác phẩm được tạo nên bởi nhiều tầng câu chuyện khác nhau.

Tính chất đa tầng ở Một ví dụ xoàng lại được làm dày thêm, trước hết ở hình thức truyện lồng trong truyện. Hình thức truyện trong truyện không phải là một đặc điểm phổ biến trong tiểu thuyết Việt Nam truyền thống, tuy nhiên trong nhiều năm gần đây, hình thức này không còn là lạ, là “hiếm” nữa và có thể bắt gặp trong nhiều tiểu thuyết của nhiều nhà văn đương đại như Bảo Ninh, Nguyễn Việt Hà, Tạ Duy Anh, Thuận…Một ví dụ xoàng, sử dụng kết cấu lồng ghép với hình thức truyện lồng trong truyện này bằng cách chồng chất các tầng lớp của câu chuyện trong hồi tưởng, trong điểm nhìn của nhân vật Khách-con trai nhân vật Sang về sự việc của cha mình. Trong phần kể ấy, một loạt chuyện kể được kể lại qua rất nhiều nhân vật. Nhưng tất thảy đó, những câu chuyện đó được lồng ghép vào câu chuyện chính nhân vật Khách- con trai Sang đi tìm hiểu lại ngọn ngành cái chết năm xưa của bố.

Kết cấu đa tầng của Một ví dụ xoàng còn được thể hiện qua hai mạch truyện chính: những sự kiện con người chính xoay quanh về nhân vật Sang trước khi anh bị xử bắn và chuyện về nhân vật Khách-con trai Sang đi tìm về quá khứ, tìm về những bí ẩn đằng sau cái chết của cha mình.. Hai mạch truyện này diễn ra nối liền nhau, như những lớp lang càng bóc ra, chân tướng sự thật càng rõ ràng. Tưởng chừng mạch truyện rời rạc đơn lẻ nhưng khi ghép những câu chuyện ấy lại với nhau tạo nên một bức tranh đầy đủ về thân phận con người. Một ví dụ xoàng, hai mạch truyện về hai thời gian khác nhau cùng với sự dịch chuyển ngôi kể lẫn điểm nhìn một cách đột ngột, liên tục, không có dấu hiệu của sự thay đổi khiến những mảng hiện thực được tái hiện cũng trở nên liên hệ chặt chẽ với nhau, không hề tách bạch, hai thời gian mà nhân vật đang sống lồng ghép, hòa trộn trong nhau. Từ đó người đọc có cái nhìn tổng quát về thân phận nhân vật trong tác phẩm. Nếu như ở các tiểu thuyết khác, các mạch truyện đơn lẻ đều có thể là đề tài để tạo ra một tiểu thuyết mới thì ở Một ví dụ xoàng hai mạch truyện có sự liên kết thống nhất. Thủ pháp kết cấu ở đây, bằng cách triển khai nhiều mạch truyện, có khi đan xen, móc nối chằng chịt và chồng chất lên nhau và bề mặt những tưởng tồn tại độc lập, riêng rẽ, tách biệt nhưng thực chất các mạch truyện này bằng cách nào đó vẫn có sự giao tiếp hay chính qua những sự kiện riêng rẽ như thế của đời sống, Nguyễn Bình Phương đang cố gắng để xác lập một mối liên hệ bên trong, từ đó các mạch truyện, các thế giới soi rọi và lý giải cho nhau, tạo nên sự tổng hoà nhất định.

Kết cấu đa tầng, xoắn kép với hai phần song song nối liền nhau khi tác giả cùng xây dựng nhân vật mang tên Khách ở cả hai phần. Tuy nhiên nhân vật Khách ở Phần thứ nhất được cho là Sang. Nguyễn Bình Phương không nói rõ tên nhân vật Khách đấy là ai, nhưng qua lớp kết cấu nối liền song song tạo cho người đọc cái nhìn xuyên suốt tác phẩm, dễ dàng nhận thấy nhân vật Khách ở Phần thứ nhất là Sang. Đến với Phần thứ hai, vẫn là nhân vật Khách, người đọc băn khoăn không biết đấy là ai nhưng lật giở từng câu chuyện, nối kết chúng qua từng góc nhìn nhân vật, người đọc dễ thấy nhân vật Khách đấy là con trai lớn của Sang. Anh đang đi tìm lại nguồn gốc sự thật về cái chết của cha mình. Nhìn vào kết cấu đa tầng, xoắn kép như vậy, thân phận con người dễ dàng được tái hiện theo chiều sâu, lặp đi lặp lại qua từng góc nhìn của nhân vật khác. Điển hình như nhân vật Sang, thân phận anh hiện lên qua tầng tầng lớp lớp câu chuyện của những con người có liên quan hoặc biết đến anh, từ đồng nghiệp, Uyên, Vân, người vô danh nào đó, ông bán chè, quan toàn xét xử, người thi hành án,…. Tất thảy những câu chuyện chồng chéo lên nhau đều thể hiện rõ hơn về thân phận Sang.

Đồng thời chính kết cấu đa tầng không chỉ làm dày thêm các chiều kích của tiểu thuyết mà còn mở ra những chiều tồn tại khác của nhân vật, chúng lý giải cho nhau, bổ sung cho nhau và ở đó chân dung con người đương đại trở nên rõ nét hơn. Nếu như Sang trong đời sống thực tại bị cuốn vào vòng xoáy của cơm áo gạo tiền, quay cuồng trong những khó khăn dồn dập thì sang một thời gian khác, dưới cái nhìn của những con người khác anh được hiện lên rõ hơn về tính cách, để lý giải kết cục của Sang là điều chính đáng. Chính kết cục ấy đã thể hiện rõ hơn về cuộc sống của Sang, đầy những vô nghĩa, sự vô nghĩa của đời sống tầm thương, bé nhỏ mà anh đang sống khiến bản thân anh quay cuồng đến phát sợ. Và sang một thế giới khác, con người Sang chắc hẳn trở về với “thân phận yên bình” bắt đầu cho một hành trình mới của con người: hành trình đi tìm ý nghĩa của đời sống.

Đọc tiếp: Kết cấu nghệ thuật trong tác phẩm Một ví dụ xoàng phần 4

zalo

Đăng ký sách

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký khóa học

messenger
08985 888 22