Hẻm vực lớn Cô - Lô - ra - đô – Một kì tích của giới tự nhiên
Vực lớn Cô–lô-ra-đô của Mỹ là vực dài nhất thế giới. Nó bắt nguồn từ dòng sông nhỏ Cô-lô-ra-đô, dài 349km, rộng 6 – 28km, chỗ sâu nhất hơn 2000m. Dòng sông Cô-lô-ra-đô ngoằn ngoèo uốn lượn bên trong. Nước sông không ngừng xâm thực, xói lở, chính là nguyên nhân chủ yếu hình thành chủ yếu làm hình thành vực lớn.
- Vực lớn Cô-lô-ra-đô thuộc bang A-ri-zô-na ở miền Tây nước Mỹ. Nó có vách đá dựng đứng, bên dưới hẹp, bên trên rộng. Trong vực tối âm u, tầng tầng, lớp lớp các vỉa đá nham thạch lộ ra. Chúng vẫn giữ nguyên trạng thái sơ khai. Nếu từ xa nhìn vào, do vực quanh co ta thấy chúng như hàng vạn quyển sách xếp chồng lên giá. Điều đáng ngạc nhiên là cảnh sắc trong vực thẳm thay đổi không có quy luật. Trong vực thường có sương mù tụ lại tạo thành sắc tím. Những ngày đẹp trời, trong vực có lúc biến thành sắc đỏ đột nhiên biến thành tím đỏ, vàng, lam, hoặc trắng, cuối cùng lại biến thành sắc tím.
Vực Cô–lô-ra-đô là một phần cuốn sách giáo khoa địa chất sống. Từ dưới đáy vực trèo dần lên cao, tầng nọ xếp chồng tầng kia. Tầng đá cổ dưới đáy là đá phiến và mica phiến, lên trên một chút là tầng đá nguyên cổ. Cao nữa là các tầng đá thuộc đại Cổ sinh, trong đó lưu giữ hóa thạch của các loại sinh vật cổ đại diện cho từng loài ở những thế kỉ khác nhau.
Kỳ tích này do đâu mà có? Theo các nhà khoa học: mấy triệu năm trước, vùng vực lớn này từng là đáy biển. Khoảng sau đại Trung sinh, lớp vỏ Trái Đất vận động mãnh liệt, nơi này dần dần nâng cao. Do lực nâng không đều, thêm vào đó áp lực lại không bằng nhau, nên tuy địa tầng vẫn duy trì được trạng thái cân bằng mà bờ bắc lại cao hơn bờ nam. Sau này, dòng sông Cô-lô-ra-đô chảy vào bên trong, trải qua hàng triệu năm xâm thực, xói mòn, vì các địa tầng có chỗ cứng, chỗ mềm nên đã bị xâm thực thành vực đến độ sau như ngày nay.
(Nguồn: Những mẫu chuyện lý thú về Địa lí tự nhiên, Đoàn Mạnh Thế, NXB Giáo dục, 2004)