Địa hình miền núi và quá trình thành tạo miền núi

Địa hình miền núi và quá trình thành tạo miền núi

Bởi Học văn cô Hà Huyền 25/04/2024

Địa hình miền núi và quá trình thành tạo miền núi

Núi là dạng địa hình có độ cao tương đối trên 200m so với các địa hình tạo mặt bằng xung quanh. Núi có thể đứng đơn lẻ hoặc tập hợp thành dãy núi, vùng núi hoặc miền núi.

Miền núi là tập hợp của nhiều vùng núi, phân bố trên một diện tích rộng lớn. Về mặt địa chất được cấu tạo bởi nhiều cấu trúc địa chất, các đá có tuổi khác nhau của vỏ lục địa được nâng lên trên mặt nước biển – đại dương hoặc đồng bằng lân cận. Về mặt hình thái, có sự phân dị rõ nét; đỉnh nhọn, sườn dốc, thung lũng sâu, độ cao thay đổi trên những khoảng cách không lớn. Trong miền núi, bên cạnh những địa hình dương còn có những địa hình âm: thung lũng, bồn địa tạo nên sự chênh cao tương đối từ vài trăm đến vài nghìn mét. Ví dụ: ở miền núi Tây Bắc Việt Nam, ngoài những vùng núi còn có các bồn địa: Điện Biên, Văn Chấn, Than Uyên…

Về quá trình hình thành, theo thuyết Kiến tạo “Địa mảng” cho rằng miền núi tương ứng với miền có quá trình tạo núi. Đó là miền đã diễn ra các pha nâng cao uốn nếp tạo núi sau thời kỳ sụt lún mạnh của địa máng. Miền núi còn có thể hình thành bởi các đứt gãy sâu dạng khối trong các miền nền hình thành tử trước do ảnh hưởng các pha nâng cao uốn nếp của địa máng nằm kề. Địa hình miền núi hiện nay là kết quả của quá trình nâng cao Tân kiến tạo diễn ra từ kỉ Neogen tới nay với cường độ nâng cao lớn hơn cường độ bóc mòn bồi tụ.

Theo thuyết “Kiến tạo màng” thì miền núi được hình thành do sự va chạm giữa các mảng thạch quyển khi di chuyển ngược chiều nhau hoặc do quá trình tách dẫn trong nội bộ mảng ở lục địa. Khi hai mảng lục địa va chạm nhau sẽ dẫn tới hiện tượng một mảng luôn xuống, mảng kia chờm lên trên. Mảng kia chờm lên trên do lực cân bằng đẳng tĩnh nên được dâng cao và các lớp đá bị uốn nếp, đứt gãy. Do các đá có độ cứng khác nhau, cấu trúc địa chất khác nhau nên dưới tác dụng của quá trình ngoại lực, bề mặt bị phá hủy và chia cắt thành vùng núi. Mảng luôn xuống, do nhiệt độ cao nên vật chất nóng chảy, độ đặc kém, chúng theo khe nứt của mảng chờm lên thoát ra ngoài mặt hình thành các trung tâm núi lửa. Trong nội bộ mảng ở lục địa, quá trình tách dãn hình thành các trũng địa hào và các vùng cao nằm kề. Dưới tác dụng của ngoại lực, các vùng cao sẽ bị chia cắt thành vùng núi.

(Nguồn: Địa lí tự nhiên đại cương, tập 1 – Nguyễn Trọng Hiếu, Phùng Ngọc Đĩnh, NXB Sư phạm, H, 2003)

zalo

Đăng ký sách

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký khóa học

messenger
08985 888 22