Theo tiếng Nga, pốt-dôn có nghĩa là “tro”. Từ lâu, pốt-dôn trở thành thuật ngữ quốc tế. Đất pốt-dôn phân bố chủ yếu ở Bắc Á, Bắc Âu, Bắc Mỹ trong giới hạn vĩ tuyến 45° đến vĩ tuyến 60 – 65° thuộc vùng ôn đới lạnh, có thực vật rừng lá kim. Đất pốt-dôn chiếm khoảng 9% diện tích các lục địa.
Quá trình hình thành đất là quá trình pốt-dôn hóa: đất được hình thành dưới rừng cây lá kim trong điều kiện khí hậu lạnh giá có lượng nước thấm lớn và độ bốc hơi nhỏ . Do lớp thảm mục rừng lá kim nghèo chất kiềm, tro, đồng thời lại chứa các hợp chất khó tan như nhựa, tan- nin, sáp, li-nhin, nên hoạt động phân giải của vi sinh vật bị hạn chế, các sản phẩm phân giải thường có tính axit. Ở điều kiện đủ và thừa ẩm, các hợp chất axit thấm xuống dưới, rửa trôi các hợp chất dễ tan, các phần tử sét và sau đó phá hủy cả các khoáng vật bền vững hơn. Kết quả là hình thành đất pốt-dôn với tính chất chua, càng xuống sâu độ chua càng giảm do việc tích tụ các chất kiềm ở phía dưới. Thành phần cơ giới của tầng trên nhẹ, chứa nhiều SiO2). Do sét bị rửa trôi, đất không có kết cấu, nghèo mùn, các chất dinh dưỡng đều nghèo.
Nhìn chung, đất pốt-dôn là loại đất kém phì nhiêu, cần cải tạo mới có thể trở thành đất trồng lúa mì, lúa mạch, đậu, khoai tây, táo... Hiện nay, về mặt kinh tế, đất pốt-dôn chủ yếu tập trung vào việc chăn nuôi gia súc và trồng rừng.