Đất feralit
Loại đất này có màu đỏ vàng và được gọi bằng nhiều tên khác nhau như: đất la-tê-rit, fralitic, đất feralit, đất alit, đất la-tô-sol, nhưng thuật ngữ feralit hay được dùng hơn cả. Đất này chiếm 1/5 diện tích các lục địa, phân bố trên những vùng rộng lớn của Nam Mỹ, Trung Phi, Đông Nam Á, Nam Á…
Đất hình thành trong điều kiện nhiệt ẩm cao rất thuận lợi cho quá trình phong hóa và hình thàn h đất. Thảm thực vật phát triển mạnh. Rừng mọc rậm rạp, cổ nhiều loài ở nhiều tầng. Sinh khối thực vật trung bình trên 5000 tạ/ha vật chất hữu cơ khô, cung cấp một lượng vật chất hữu cơ lớn nhưng bị phân hủy ngay trong năm đầu khi chúng rơi xuống đất và sự hoạt động mạnh mẽ của vi sinh vật và động vật. Lượng mưa lớn của miền khí hậu nhiệt đới ẩm cũng tăng cường quá trình rửa trôi. Lớp vỏ phong hóa rất dày do điều kiện nhiệt ẩm thuận lợi cho quá trình phong hóa hóa học và sinh học.
Quá trình fralit hóa diễn ra như sau: Các đá và khoáng, nhất là nhóm silicat bị phong hóa mạnh mẽ thành các khoáng thứ sinh. Một phần khoáng thứ sinh có thể tiếp tục bị phá hủy tạo nên các oxit sắt, nhôm, silic đơn giản. Cùng với sự phá hủy đó, các chất ba-dơ và một phần oxit silic cũng bị rửa trôi, làm cho tỉ lệ phần trăm của Fe(OH)3 và Al(OH)3 so với các chất khác trong đất tăng lênn. Quá trình tích lũy Fe và Al này được gọi là quá trình Feralit, quá trình này tạo nên các loại đất đỏ vàng miền nhiệt đới ẩm do hàm lượng sắt cao, phần lớn dưới dạng các oxit khác nhau.
Đất feralit có những đặc điểm chính như: Có lượng khoáng nguyên sinh thấp; giàu hydroxit sắt, nhôm, mangan; có lượng khoáng sét kaolinit lớn; axit fun-vô-nic chiếm ưu thế trong các axit mùn.
Đất feralit thích hợp với việc trồng các loại cây công nghiệp nhiệt đới như: cà phê, cao su, canhkina....
(Theo Địa lí tự nhiên đại cương, tập 3 – Nguyễn Kim Chương (chủ biên), NXB Sư phạm, H., 2004))