Dạng địa hình phi-o ở Na Uy
Ở bờ biển phía Tây Na–uy, trên bán đảo Xcăng-đi-na...vi có núi cao hiểm trở và rất nhiều phi–o. Rất nhiều phi–o cùng với hơn 150.000 đảo nhỏ và đá ngầm làm thành tuyến bờ biển dài hơn 20.000 km quanh co khúc khuỷu nhất thế giới. Hình dáng đất nước Na-uy hẹp ngang và kéo dài, từ Bắc đến Nam hơn 1.770km, từ Đông sang Tây từ 10 – 400km, chỗ hẹp nhất chỉ có 6km.
Ở đây, các phi-o nổi tiếng, có hình dạng độc đáo, ăn sâu vào đất liền vừa sâu thẳm, lại quanh co, hai bờ vách đá dựng đứng cheo leo. Phi-o trên thực tế là một loại vịnh biển hẹp, dài và quanh co, chỉ rộng vài km nhưng lại dài tới vài chục tới vài trăm km. Các phi-o tạo nên cảnh đẹp của Na-uy đã trở thành nổi tiếng trên thế giới. Tất cả các phi-o của Grơn–len, A–lax–ca, ở bán đảo La–bra-đo của Ca-na-đa, ở phía Nam Chi–lê đến Niu-di–lân đều thua kém.
Nổi tiếng nhất là phi-o Xan-cơ-va dài 220km, rộng 4km, nước ở cửa vịnh chỉ sâu 45m, nhưng chỗ sâu nhất trong lòng vịnh tới 1.224m. Hai bên bờ là núi cao, sườn núi thẳng đứng lên trên. Những đỉnh núi cao cách mặt biển 1.500m. Phèo có 10 nhánh. Hai bên bờ là những tầng đá cứng chắc, chủ yếu là do đá granit và đá phiến tạo thành. Trong phi−o, vách núi nọ tiếp vách núi kia, lối lên bờ hầu như không có. Tuy vậy, cũng có một số doi đất hẹp, trên đó xây những đô thị nhỏ.
Phi-o là đường hàng hải quan trọng, có thể thông tàu lớn, là cảnh vịnh thiên nhiên đẹp. Nhưng vì sao Na-uy có nhiều phi-o như vậy? Nguyên nhân là do trong thời kỳ băng hà của kỷ Đệ Tứ, Nau-uy lúc đó nằm dưới lớp băng dày. Băng hà trường kỳ xâm thực và đào khoét, khiến các bờ biển có hình thành nhiều khe sâu. Sau khi băng hà lui, nước biển tràn vào đã biến thành các vịnh phi-o hẹp và khúc khuỷu.
(Nguồn: Những mẫu chuyện lý thú về Địa lí tự nhiên, Đoàn Mạnh Thế NXB Giáo dục, 2004)