Ngôn ngữ mang đậm dấu ấn Nam Bộ
Dấu ấn Nam Bộ vẫn luôn là điểm đặc biệt trong các sáng tác của Nguyễn Quang Sáng. Trong “Tôi thích làm vua”, ngay từ mở đầu truyện, nhà văn đã mở ra không gian đặc trưng của Nam Bộ với một loạt các từ ngữ thuộc trường từ vựng về sông nước như: cù lao, sông, xuồng ghe, tàu, sóng, bến, neo… Với những câu văn suồng sã theo cách nói của người Nam Bộ: “…chớ ai về chi cái đất cù lao, lúc nào cũng sóng gió.”, “Dạ, chú muốn mấy đứa cũng có ự - Tôi lẹ miệng đáp lại.”… Bên cạnh đó, nhà văn sử dụng rất nhiều phương ngữ Nam Bộ như “làm phước, niểng mặt, …” với những từ xưng hô như “con, tụi con, tụi tôi,…”, và những từ ngữ miêu tả phong tục tập quán như “xuống xuồng băng qua sông, mũ mão họ phơi trên mui ghe,…”. Tất cả tạo nên một không gian nghệ thuật mang đậm màu sắc Nam Bộ cho truyện ngắn này.
Một số thủ pháp sáng tạo ngôn từ trong truyện “Tôi thích làm vua”
Trong truyện ngắn “Tôi thích làm vua”, Nguyễn Quang Sáng sử dụng rất nhiều câu văn ngắn và thường là câu đơn. Như khi miêu tả cái rạp hát, nhà văn đã sử dụng ba câu đơn “Rạp hát là nhà lồng chợ. Kệ thịt, kệ vải đều được dọn ra ngoài. Người ta lấy lá che kín hết bốn bên.” Ngay cả những câu ghép, các vế câu đều hết sức ngắn gọn “Tôi là cháu của thầy tuồng, tôi được đánh trống.” Cùng với đó, nhà văn nhiều lần sử dụng biện pháp liệt kê ở các cấp độ khác nhau: trong cùng một câu văn như: “Cù lao có đến ba làng: Mỹ Tân, Mỹ Phú, Mỹ Hòa.” hay “Tuồng này có một ông vua, hai ông quan, một nịnh, một trung, một anh hề, một ái khanh, một thằng quân”… giữa các câu văn như: “Cái vui kế đó là, trước khi xem hát, chúng tôi rủ nhau đi xem hình quảng cáo…”, “Cái vui cuối cùng là, sau khi gánh hát nhổ neo đi, lũ nhỏ tụi tôi lại lấy lá dừa kết thành mão,…” Tất cả tạo nên nhịp kể nhanh, phù hợp với cách nói của người dân Nam Bộ, đặc biệt là phù hợp với tâm trạng náo nức và giọng điệu hồ hởi của một đứa trẻ (bởi lẽ câu chuyện được kể lại với điểm nhìn khi tôi còn bé).
Ngoài ra, tác giả còn sử dụng biện pháp điệp từ, điệp ngữ: lặp lại từ “thích” (6 lần) , “vua” (11 lần), trong đó cụm từ “thích làm vua” được lặp lại đến 4 lần. Kết hợp với những câu nghi vấn “Làm vua?”, “Sao con thích làm vua?”, “ai là người thực cho cuộc đời, ai là người cho sân khấu?”… cùng với hình ảnh ẩn dụ “vua”, cách đặt tên nhân vật “thằng Đực” (nhân vật duy nhất có tên riêng). Tất cả góp phần tập trung thể hiện rõ chủ đề của tác phẩm.
Kết luận
Những đặc sắc về ngôn từ nghệ thuật đã góp phần làm nên thành công của truyện ngắn Tôi thích làm vua. Mượn câu chuyện tuổi thơ của nhân vật tôi, nhà văn đã giãi bày những suy ngẫm về cuộc đời. Bởi vậy ngôn từ trong tác phẩm vừa gần gũi, giản dị, mộc mạc, phù hợp với cách nói của trẻ nhỏ, phù hợp với tính cách con người Nam Bộ nhưng cũng mang tính chiêm nghiệm, đối thoại sâu sắc. Chính điều này đã góp phần khẳng định phong cách sáng tác độc đáo của nhà văn Nguyễn Quang Sáng.
Đọc tiếp: Đặc sắc ngôn từ nghệ thuật trong Tôi thích làm vua phần 1