Thứ hai, bằng các lớp ngôn từ nghệ thuật trong tác phẩm Hemingway đã miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật một cách trần trụi
Khi viết Ông già và biển cả, Hemingway đã cô đặc từng yếu tố ngôn ngữ, chi tiết, hình ảnh, làm cho tác phẩm bị bó hẹp lại. Bởi vậy, dung lượng trong tác phẩm không quá lớn, thậm chí là “ngắn”, “vừa”, “quá cỡ”. Với những kiến thức phong phú. kinh nghiệm và những trải nghiệm cuộc sống đáng nhẽ ra nhà văn cần phản ánh mảng hiện thực đó trong tác phẩm văn học một cách rộng rãi, với những tình huống, sự kiện, nhân vật phong phú, sống động nhưng ở đây thì ngược lại trong sáng tác của ông bao giờ cũng tồn tại những sự thật trần trụi với cuộc sống đời thường.
Santiago là hình tượng nghệ thuật độc đáo, thể hiện ý chí và khát vọng làm nên những điều lớn lao của con người. Đây là tác phẩm rất ít nhân vật, trong khi thời gian bị giới hạn chỉ với ba ngày ba đêm, không gian xảy ra ở vùng biển Havana. Với bút pháp nghệ thuật điêu luyện, Hemingway đã xây dựng thành công nhân vật Santiagô và biến tác phẩm thành thiên truyện vĩ đại mà bất kì một nhà văn nào cũng ao ước được viết một thời.
Ngôn ngữ là chất liệu, là phương tiện biểu hiện mang tính đặc trưng của văn học. Ngôn ngữ là yếu tố đầu tiên nhà văn sử dụng để sáng tác và cũng là yếu tố đầu tiên trong sự tiếp xúc của người đọc đối với tác phẩm. Viết Ông già và biển cả, Hemingway rất thành công khi xây dựng nên lớp ngôn từ nghệ thuật cô đặc, ngắn gọn, có sức chứa đựng lớn; đối thoại và độc thoại nội tâm; đối thoại xen kẽ với độc thoại nội tâm làm nổi bật tính cách và trạng thái tâm lí của nhân vật.
Về đối thoại, nhà văn luôn có ý thức nhường lời cho nhân vật. Vì vậy, đối thoại có cơ hội phát triển và chiếm ưu thế mạnh trong tác phẩm. Từ những lời đối thoại tưởng như đơn giản, lỏng lẻo của nhân vật nhưng lại thể hiện nhiều tầng ý nghĩa. Nhân vật tham gia cuộc hội thoại không quan tâm đến nội dung đang nói mà lại theo đuổi suy nghĩ riêng theo dòng ý thức chủ quan của mình như cơ duyên để cá tính, ý thức của nhân vật tự bộc lộ. Trong khi đó, nhà văn mất nhiều công sức, thời gian để nghiên cứu, miêu tả, trình bày, hoặc nói thay cho nhân vật. Đây là cái độc đáo, sáng tạo của Hemingway, khác với các nhà văn khác thường sử dụng kiểu đối thoại như trích dẫn, tức là các nhân vật đối thoại, nói chuyện với nhau, đảm bảo nguyên tắc giữa các lượt lời đối thoại, nhờ đó tính cách nhân vật được bộc lộ. Ở Hemingway, đối thoại không tuân theo một trình tự, diễn biến nào cả thay vào đó là sự lan man, đứt đoạn, từ chuyện này nhảy sang chuyện khác một cách nhanh chóng, đột ngột. Vì thế, nhiều người cho rằng văn chương của Hemingway giống như băng ghi âm hay tốc ký mà nhà văn đã kịp thời ghi lại nguyên vẹn cuộc trò chuyện giữa các nhân vật.
Đối thoại trong Ông già và biển cả khá đơn giản, là những hành động của ông lão nói và thằng bé đáp hoặc ngược lại: “Đừng”, “Ông nhớ”, “Ông hiểu”, “Đấy là chuyện thường”. Là sự đối đáp giữa ông lão và chú bé nhưng hết sức rời rạc, khó hiểu. Nhưng nếu đọc kĩ tác phẩm sẽ thấy những lời ông lão nói như chất chứa một nỗi buồn từ trong sâu thẳm tâm hồn dù lão không trực tiếp nói ra và lời người dẫn truyện cũng vắng bóng. Như vậy, có thể nói đối thoại giữa các nhân vật bị cô đặc đến tận cùng, không chỉ ngắn về nội dung lời thoại mà còn bị lược bỏ phần thuyết minh. Chỉ có chủ thể “ông lão nói” và “thằng bé đáp” nhưng qua đó người đọc vẫn thấy được chiều sâu tâm trạng của ông già Santiago và tình cảm thiết tha của chú bé Manolin với ông lão. Khi thằng bé hỏi “ông sẽ đến đâu” để câu cá, đâu sẽ là nơi để lão thực hiện ước nguyện của mình, ước nguyện bắt được con cá lớn để khẳng định mình, để kiếm sống và để thoả mãn lòng kiêu hãnh của một con người luôn luôn khát khao được chinh phục những thử thách tiến tới chiếm lĩnh đỉnh cao vinh quang, làm nên giá trị thực của một con người. Mong ước của những người lao động bình thường là được hưởng những thành quả do mình vất vả tạo ra để khẳng định giá trị đó với mọi người trong xã hội. Tuy nhiên để đạt được điều đó đòi hỏi phải có kiến thức, kinh nghiệm thức tế nếu không rất dễ bị thất bại. Bởi vậy, trong khi đánh giá rất cao nghệ thuật đối thoại của Hemingway nhiều nhà nghiên cứu đã đi đến một nghịch lí đó là “Ở những tác phẩm hay nhất của Hemingway, tấn kịch diễn ra bên dưới đối thoại” (A.Maurois). Nghĩa là sử dụng đối thoại để ẩn giấu thái độ của nhà văn, ngay lời lẽ của nhân vật cũng mang một ẩn số. Vì vậy, người đọc cần phải hiểu, nắm rõ “mạch ngầm văn bản”, nếu nóng vội và không có sự kiên trì thì không thể phát hiện ra được vẻ đẹp ẩn chứa bên trong nhân vật Santiago luôn muốn được khẳng định mình, được chiến thắng trong cuộc chiến chống lại số phận nghiệt ngã, chống lại các thế lực bạo tàn trong xã hội.
Đọc tiếp: Đặc sắc ngôn từ nghệ thuật trong Ông già và biển cả phần 3