Khái niệm
Ngôn từ nghệ thuật trong tác phẩm văn học là ngôn ngữ toàn dân đã được nghệ thuật hóa; được chọn lọc, gọt giũa, trau chuốt và mang dấu ấn sáng tạo của người nghệ sĩ. Trong tác phẩm văn học, ngôn từ là phương tiện để cụ thể hóa, vật chất hóa, hiện thực hóa nội dung, tư tưởng và thẩm mỹ của tác phẩm. Mặt khác, việc sử dụng, phối kết, sáng tạo ngôn từ cũng tạo nên những nội dung thẩm mỹ mới. Do vậy, ngôn từ nghệ thuật trong tác phẩm văn học mang tính hình tượng, xúc cảm và thẩm mỹ; có khả năng tác động đến tình cảm, nhận thức và thẩm mỹ của người đọc.
Đối với ngôn từ trong bài văn bia do một tiến sĩ Nho học soạn để ca ngợi cảnh đẹp của chùa và tấm lòng của Thái hoàng Thái hậu và Phụ chính Ứng vương Mạc Đôn Nhượng thì từ ngữ được gọt giũa trau chuốt chọn lọc. Đặc biệt, lời văn liên quan đến bậc hoàng thân quốc thích triều Mạc, văn phong, từ ngữ càng phải lựa chọn đắt giá để nói lên được công lao to lớn của bậc Mẫu nghi thiên hạ và Phụ chính Ứng vương.
Mở đầu văn bia đã khẳng định công sức của Phụ chính Ứng vương về việc xây dựng chùa: “Khám Viên Quang Hậu Bổng, huyện Gia Phúc phủ Hạ Hồng, là danh lam lớn của nước Nam. Đấy là do công sức phục dựng của ai? Đó là đại công đức vui làm điều thiện của quan Phụ chính Ứng vương”.
Trước khi Phụ chính Ứng vương cho trùng tu xây dựng khám Viên Quang thì chùa đã có tên là Quang Minh tự, vì mến mộ cảnh chùa mà ông đã xây dựng phủ ngay cạnh chùa để làm nơi dừng nghỉ mỗi lần lên kinh. Văn bia cho biết: “Quan Phụ chính Ứng vương thường từ phủ Vĩnh lên [Kinh] chầu vua qua đây; bởi mến mộ cảnh này bèn lập phủ ở cạnh chùa để làm nơi ở mỗi khi qua lại. Vương liền bỏ vàng vua ruộng, để mở rộng chùa, rồi chuyển gỗ họp thợ, xây Phật điện nghiêm chín h điện, cùng tiền đường, hậu vũ, bốn mặt hồi lang bao quanh cùng tam quan lầu gác. Chỗ cũ nát liền làm mới cái hư hỏng thì tu bổ lại, công việc xây dựng chẳng mấy mà xong, thực là lâu đài cõi đông, Thiền lâm Thiên Trúc, mọi thứ nhất thảy đều mới”. Cũng trong bia được tác giả miêu tả cảnh chùa tươi đẹp, tấp nập ngựa xe “Chùa vốn là cổ tích: thủy triều tiến phía trước, phía sau bát ngát ruộng bằng; bên trái giáp làng trù phú, bên phải liền với chợ đông Một bầu trời thiền phong cảnh lạ thường. Mỗi độ xuân về muôn hoa đua nở, người dân nơi đây dự hội đôn g vui, dấu ngựa xe tấp nập, võng lọng qua lại không ngớt. Thật là một kỳ quan lớn nhất vùng”.
Đỗ Uông vâng soạn văn bia trên thì ca ngợi cảnh chùa và tấm lòng công đức của Thái hoàng Thái hậu và Ứng vương đã có công trùng tu tôn tạo chùa, ngoài ra còn mở mang thêm. Bên cạnh đó bài văn bia đã khéo léo, tế nhị khi thác lời người nho sinh đưa ra lời can gián để hướng Vương noi theo triều Lý làm tốt nền chính trị của mình (đó là ngoài việc xây chùa phụng Phật để cầu phúc và mở mang dân trí cho dân, nâng cao đức trị) học điều hay của triều trước để cho đất nước được trường tồn.
Bà Vũ Thị Ngọc Toàn, là người làng Trà Phương, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng, là người hâm mộ đạo Phật, mặc dù chính sử không ghi chép về bà, tuy vậy nhiều văn bia còn ghi chép công lao của bà đối với việc xây dựng chùa chiền ở khu Dương kinh và vùng phụ cận.
Bia Tu cấu Viên Quang khám ca ngợi bà vui làm việc thiện mà gieo phúc điền, vì nhân dân, con thánh cháu hiền đời đời mà xây dựng nhiều chùa. Văn bia cho biết: “Thái hoàng Thái hậu là là bậc Mẫu nghi thiên hạ, là mầm Thánh nơi cửa Phật, xây dựng các chùa để làm ruộng phúc, vì con thánh cháu hiền, nghi quân nghi vương đời đời mà tạo phúc vậy”.
Với những đóng góp to lớn của bà đối với dân nên bà được nhân dân tôn xưng là “Mẫu nghi thiên hạ” như trong văn bia đã chép.
Qua những việc làm của bà đối với việc xây dựng và mở mang chùa nhiều nơi đủ để thấy tấm lòng từ bi nhân hậu của bà, một lòng hướng theo gót Phật. Vì con cháu của vương triều và nhân dân mà tạo phúc lành. Từ đó bà mong muốn hướng mọi người cùng làm việc thiện, gieo quả phúc để được phúc ấm, làm cho dân cư an lạc, đất nước được thái bình.
Tấm bia và bài văn bia là hiện vật quan trọng của chùa Quang Minh hiện đến nay vẫn còn lưu giữ được, không chỉ có hoa văn trang trí độc đáo đặc sắc mang motip cung đình, mà còn là minh chứng xác thực ghi chép lại công lao to lớn của triều Mạc thông qua quan Phụ chính Ứng vương và Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn cùng nhiều tín thí khác trong việc trùng tu xây dựng chùa.
Kết luận
Cái đặc sắc của tác phẩm này chính là một bài văn ca ngợi nhưng lại mang lời lẽ can gián gián tiếp của tác giả Đỗ Uông đối với triều Mạc. Cái hay là ở chỗ dùng ngôn từ ca ngợi tiền triều để hướng đối tượng ở đây là Phụ chính Ứng vương đại diện cho triều Mạc. Lời can gián triều Mạc nên tập chung xây dựng đất nước để sánh với các triều Lý, Trần, sánh cả với thời thịnh trị Đường, Ngu....không xa hoa lãng phí vào việc xây dựng...
Bài văn bia cũng cho biết bà Thái hoàng Thái hậu vì con cháu, vì đất nước và hạnh phúc của nhân dân mà gieo phúc điền xây dựng nhiều chùa chiền. Việc làm của quan Phụ chính Ứng vương và Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn trong việc phát tâm vui làm việc thiện, xây dựng chùa chiền cũng là một việc làm của vương chính như lời văn bia chùa Hưng Linh đã nhắc đến. Đó cũng là nguyên do khiến cho Phật giáo thời nhà Mạc được trung hưng, góp phần không nhỏ trong lịch sử truyền thống Phật giáo Việt Nam.
Nội dung văn bia giống như một lời can gián, thường xuất hiện trong các bản tấu chương là chuyện thường gặp, nhưng nội dung văn bia được Vương với vai trò Phụ chính chấp nhận và cho khắc vào văn bia được đặt trước chùa để quảng đại nhân dân xa gần đều biết.