Cái nhìn nghệ thuật
Theo cuốn Dẫn luận thi pháp học, cái nhìn có thể xét ở hai phương diện. Một là điểm nhìn của người trần thuật và nhân vật, và hai là cái nhìn thể hiện trong chi tiết khách thể, nơi cái nhìn hướng đến.
Điểm nhìn, theo tôi là điểm thú vị và quan trọng nhất trong kết cấu trần thuật của cuốn tiểu thuyết này. Nó được viết ở ngôi thứ ba giới hạn, chủ yếu từ góc nhìn của Bruno, nhân vật chính xuyên suốt toàn bộ cuốn tiểu thuyết, trần thuật theo tiêu điểm bên trong, theo những gì mà Bruno biết. Điều này có nghĩa là tác giả không sử dụng 'tôi' hay 'chúng tôi' nhưng người đọc có thể tìm hiểu xem nhân vật chính đang nghĩ gì và gần như toàn bộ câu chuyện đều tập trung vào cậu bé. Boyne đã đặt bối cảnh của cuốn tiểu thuyết này trong một không gian và thời gian xảy những điều vô cùng khủng khiếp và kinh hoàng trong lịch sử, đến nỗi gia đình của Bruno không muốn để cho cậu bé biết bất cứ điều gì về chúng. Tất cả điều này giúp người đọc cảm thấy được có mối liên hệ nào đó với Bruno, đồng thời cũng có sự đồng cảm với sự vô tri về hoàn cảnh xung quanh của cậu bé, đồng cảm với những điều xảy ra với chính cậu bé.
Dưới điểm nhìn vô cùng ngây thơ và ngờ nghệch của Bruno, John Boyne đem lại rất nhiều điều ẩn ý hơn là những điều mang tính minh bạch trong những lời tự sự vô tri về những tội ác đang diễn ra xung quanh. Cũng có những sai lầm đơn giản mà cậu bé mắc phải, chẳng hạn như nghĩ rằng Auschwitz được phát âm là ‘Ao Tuýt’ (Out-With) và Fuehrer (trong tiếng Đức nghĩa là người thủ lĩnh) được phát âm là 'Fury' (Trong bản dịch của Nhã Nam để là Quốc trưởng, ở đây tôi xin được dùng từ tiếng Anh trong bản gốc). Sự ngây thơ và thiếu hiểu biết này cho phép cậu bé có thể trở thành một người tốt và hạnh phúc mặc dù cậu bé đang ở rất gần trại tập trung, trại tội ác, nhưng cũng có nghĩa cậu bé không làm gì để giúp đỡ hoàn cảnh xung quanh và cuối cùng dẫn đến cái chết của bản thân khi còn rất trẻ. Cái nhìn này cũng giúp tạo thiện cảm của người đọc với Bruno, nhưng phần nào đã bị đẩy đi quá xa ở nhiều đoạn khiến người đọc chỉ cảm thấy cậu bé thật ngu ngốc, và lẽ ra ở độ tuổi đó cậu bé phải cố gắng nhiều hơn để hiểu được hoàn cảnh xung quanh mình, hiểu được vị trí của chính mình.
Một biện pháp nghệ thuật khác mà Boyne sử dụng để thiết lập tính trẻ con trong điểm nhìn của Bruno là phép lặp. Ví dụ: các cụm từ như 'Luôn luôn tuyệt đối tránh xa, không có ngoại lệ’ và 'Trường hợp vô vọng' thường được lặp lại khá nhiều trong tác phẩm vì Bruno đã nghe thấy những điều này và cố gắng bắt chước. Cậu bé chỉ lặp đi lặp lại những điều mà cậu đã nghe người khác nói như một chú vẹt vì cậu bé không thể nghĩ gì khác hơn rằng điều này là hết sức bình thường. Một ví dụ đặc biệt sâu sắc là “‘Heil Hitler!’ cậu nói, những từ mà cậu ước chừng là một cách khác để nói, ‘Vâng, tạm biệt, chúc cha một buổi chiều tốt lành.’” Điều này khiến tôi với tư cách là một độc giả tự hỏi liệu mình có khi nào cũng sẽ mù quáng y hệt như Bruno trước thực tế phũ phàng nếu mình cũng được nuôi dạy theo cách đó hay không. Tôi nghĩ rằng đây là một trong những điều quan trọng nhất mà Boyne muốn độc giả phải suy nghĩ khi đọc cuốn tiểu thuyết.
Trong những diễn biến sau này của cuốn tiểu thuyết, Bruno bắt đầu thực dần dần chút một đánh mất sự ngây thơ của mình và học hỏi, hiểu thêm về thế giới xung quanh. Ví dụ, khi cậu bé nói chuyện với Maria về cha mình, và cô hầu gái ấy bắt đầu kể cho cậu bé nghe về cuộc sống trước đây của cô. Cậu bé ấy “lần đầu tiên nhận ra cậu chưa bao giờ nhìn nhận đầy đủ về cô như một con người có đời sống và quá khứ riêng” Nhưng quá trình này không đủ nhanh và triệt để vì sự ngây thơ vẫn dẫn đến cái chết sớm của cậu bé trong phòng hơi ngạt. Tận khi đó, cậu bé vẫn nghĩ rằng mình chỉ đang trong một chuyến phiêu lưu để cố gắng giúp đỡ bạn mình. Và cũng chính vì vậy, điểm nhìn ngây thơ cả Bruno đóng vai trò như lòng dũng cảm, và che chở cậu bé khỏi nỗi sợ hãi trong khi bản thân lâm vào tình thế nguy hiểm, trong cả những giây phút cuối cùng của cuộc đời.
Đọc tiếp: Hình tượng tác giả trong Chú bé mang pyjama sọc phần 3