Bởi Học văn cô Hà Huyền | 20/08/2023 0 bình luận

Đã có người từng nói: “Kiến trúc là vũ khúc của đá, vũ đạo là âm nhạc cơ thể, âm nhạc là kiến trúc của âm thanh, hội họa là khúc biến tấu của màu sắc. Một tác phẩm văn học được coi là bàn yến tiệc của ngôn từ và cảm xúc. Để có một bàn yến tiệc thịnh soạn đầy đủ dư vị của cảm xúc của tác giả Nguyễn Minh Châu đã bày sẵn chờ người đọc thưởng thức với tất cả say mê đó là tác phảm Chiếc thuyền ngoài xa. Nổi bật trong đó là hình ảnh của người đàn bà làng chài và thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm tới bạn đọc. Nguyễn Minh Châu là nhà văn lớn của nền văn học Việt Nam thời kì đổi mới. Năm hai mươi tuổi  nhà văn gia nhập quân đội cho đến năm 1962 thì chuyển sang con đường sáng tác văn học. Trước thập kỷ 80 ngòi bút của Minh Châu thiên về tính sử thi hào hùng, lãng mạn, tập trung ca ngợi chủ nghĩa anh hùng. Nhân vật trung tâm thời kì này là những người chiến sỹ, thanh niên xung phong mang vẻ đẹp lý tưởng. Cho đến năm 1975 về sau, Nguyễn Minh Châu tập trung nghiên cứu sáng tác về cuộc sống của người dân lao động, những tác phẩm của ông đều lấy cảm hứng từ các vấn đề đạo đức và triết lý nhân sinh mà tâm điểm khám phá nghệ thuật ở thời kì  này là hình ảnh con người bình thường trong cuộc sống mưu sinh vất vả, trong hành trang nhọc nhằn kiếm tìm hạnh phúc và thể hiện nhân cách, tiêu biểu là tác phẩm “ Chiếc thuyền ngoài xa”. Tác phẩm được nhà văn sáng tác năm 1987, kể về chuyến đi công tác của nhiếp ảnh gia, những chiêm nghiệm sâu sắc của ông về cái đẹp và cuộc đời. Đồng thời thể hiện tư tưởng của nhà văn, hướng tiếp cận mới của ông về góc độ đời tư thế sự và phong cách triết lý nhân sinh. Qua đó, tác phẩm đã làm sáng tỏ nhận định của nhà văn Nguyên Ngọc về Nguyễn Minh Châu: “nhà văn mở đường tinh anh cho nền văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới”. Chiếc thuyền ngoài xa là một tác phẩm văn học có tình huống truyện vô cùng độc đáo, cuốn hút người đọc ngay từ những câu văn đầu tiên. Bàn về tình huống truyện, có ý kiến cho rằng: “tình huống truyện chính là chiếc chìa khoá để vận hành cả cốt truyện”, “là điểm tựa để người đọc khám phá trọn vẹn một tác phẩm văn xuôi”. Tình huống truyện chính là những sự kiện bất ngờ, mới lạ, éo le…đó chính là những điểm nhấn then chốt hấp dẫn người đọc. Tình huống truyện cũng là khoảnh khắc mà ở đó nhận vật có thể bộc lộ rõ bản chất, tính cách của mình để từ đó chủ đề tư tưởng của truyện được thắp sáng. Bằng phong cách nghệ thuật và tài năng của mình, Nguyễn Minh Châu đã xây dựng tình huống truyện nhận thức vô cùng bất ngờ và chứa đựng những nghịch lý cuộc đời, đặc biệt là câu chuyện của người đàn bà tại tòa án huyện.             Người đàn bà hàng chài là nhân vật trung tâm của tác phẩm- một người phụ nữ vô danh như bao số phận khốn khổ khác ở vùng eo biển miền Trung và dọc dải đất hình chữ S thời hậu chiến. Mới đầu, Phùng- người kể chuyện gọi chị ta là “mụ”, “người đàn bà” để tỏ lòng thương hại, có khi gọi là “chị ta” để thể hiện sự trân trọng một cách ngượng ngùng. Không đặt tên cho nhân vật không phải là do nhà văn thiếu thốn ngôn từ mà đó là dụ ý của tác giả, điều đó gợi cho chúng ta nhớ tới nhân vật “thị” trong truyện ngắn “ Vợ nhặt” của nhà văn Nam cao. Dù không cùng giai đoạn sáng tác nhưng hai nhân vật cùng có cuộc đời giống nhau: đều là nạn nhân của cái đói, cái nghèo, đến một cái tên để xác định danh tính của một con người cũng không có bởi lẽ, số phận và cuộc đời của họ tiêu biểu cho những con người nhỏ bé, bình thường khác trong xã hội.  Như vậy, thông qua một cảnh đời cụ thể tác giả đã nói hộ tâm sự của bao người đàn bà vô danh  với những giọt nước mắt đau thương, tủi hờn. Hiện thực không hề đơn giản, một chiều mà luôn luôn tồn tại với nhiều mảng màu sắc đối lập chẳng thể giải đáp. Nghịch lý không dừng lại ở những phát hiện trước đó mà tiếp tục được tác giả đi sâu vào khai thác trong nhân vật người đàn bà hàng chài. Đây là một người phụ nữ đã trạc ngoài bốn mươi, dáng người đặc trưng của người miền biển, cao lớn với những “đường nét thô kệch”.Vẻ ngoài xấu xí, mặt chằng chịt những vết rỗ sau một bận lên đậu mùa, sắc mặt tái bệch đi sau một đêm dài thức trắng. Xuất thân trong một gia đình khá giả, nhưng vì xấu nên không ai lấy. Lúc đầu khi mới được chánh án Đẩu mời lên toà án, người đàn bà còn sợ sệt, lúng túng tìm đến một chỗ để ngồi. Khi được chánh án khuyên bỏ chồng, bà ta sợ hãi và lo lắng vô cùng mà cất lên lời van xin toà: “Quý toà bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, đừng bắt con bỏ nó”. Thật là kỳ lạ, một gã chồng vũ phu suốt ngày đánh đập “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng” thì có gì đáng để bà ta phải lưu luyến mà không bỏ quách đi. Một người chồng một khi dám xuống tay đánh vợ và chửi rủa như thế, thì còn thiết tha hạnh phúc gì nữa, vậy mà người đàn bà giàu lòng vị tha, bao dung, độ lượng ấy nhất định không chịu bỏ chồng, không oán hận chồng mà còn bênh vực, thấu hiểu cho nỗi khổ của người chồng. Nếu chúng ta chỉ nhìn vào những gì đang hiện ra ở trước mắt, thì người phụ nữ này quả thật là vô cùng đáng trách, trách vì sự kém cỏi hèn nhát của bản thân, trách vì đã để bản thân mình chịu nỗi đau thể xác lẫn tinh thần. Thế nhưng không, cuộc đời vốn dĩ  chẳng phơi bày ra trước mắt ta những nghiệt ngã, uẩn khúc. Đằng sau vẻ nhút nhát của người đàn bà ấy là sự hy sinh cao cả vì đàn con, vì mái ấm gia đình, người đàn bà thấu hiểu được nỗi khổ của người chồng. Qua lời kể của chị, người chồng khi còn trẻ tuy cục tính nhưng hiền lành, chị mang ơn người đàn ông ấy vì đã cứu lấy danh dự mình, vẫn cưới dù biết chị có mang với người đàn ông khác. Hoàn cảnh vốn dĩ chẳng được khá giả đã thế lại còn đông con, gánh nặng cơm áo như đè nặng hết lên vai người chồng. Những ngày trời đổ giông bão cả nhà chỉ ăn “cây xương rồng luộc chấm muối”, chị chép miệng như đang “nhìn suốt cả đời mình”, chị nhận hết lỗi về mình “giá tôi đẻ ít đi”...Mọi lý lẽ chị dùng để bao biện, bào chữa cũng không thể che lấp đi những hành vi đáng lên án của người chồng vũ phu nhưng cuộc đời vốn luôn tồn tại những nghịch lý, những ngang trái. Kẻ bị bạo hành kiên quyết bảo vệ kẻ tội đồ, kẻ tội đồ cũng là nạn nhân của số phận và chính mình. Đằng sau lí lẽ “khó hiểu” ấy là tình yêu chồng, là sự nhân hậu và bao dung của một người đàn  bà thấu suốt, nghĩa tình. Chị hiểu người đàn ông đi đến bước đường này một phần cũng là do chị, rẳng người đàn ông kia cũng không muốn thế, rằng với chị, người đàn ông ấy từng có ơn. Suy cho cùng, ta có quyền đồng ý hoặc không đồng ý với lí lẽ của người đàn bà, nhưng ta cần phải tôn trọng sự lựa chọn  và hy sinh vì gia đình, vì chồng của chị. Có lẽ,tình nghĩa vợ chồng và những kỉ niệm quá khứ khiến chị tình nguyện ở lại bên người đàn ông khốn khổ, chính sự bao dung của người phụ nữ khiến chị tìm đủ mọi cách để bảo vệ người chồng xấu xa, độc ác. Qua đó, vẻ đẹp khuất lấp khiến người đàn bà hàng chài trở thành một người phụ nữ rất đời, như bao nhiêu người phụ nữ ngoài kia. Người đàn bà thâm trầm, sâu sắc, chị hiểu thiện trí của chánh án Đẩu và nghệ sĩ Phùng khi khuyên mình bỏ chồng vũ phu, tàn bạo. Xong chị càng hiểu hơn cuộc sống trên sông nước: quanh năm lênh đênh trên biển - nguồn sống duy nhất của cả gia đình từng ấy miệng ăn, chị thấu hiểu lẽ đời và luôn phải nhẫn nhục chịu đựng vì thương con bởi chúng còn thơ dại nếu không có bàn tay chăm sóc của người mẹ sẽ ra sao? Liệu người đàn ông thô bạo, khô khan ấy có dạy dỗ, bảo ban, quan tâm và săn sóc được chúng? Ở làng chài, những người phụ nữ cần có người đàn ông chèo lái con thuyền mỗi khi trời đổ phong ba, họ sức yếu vai mềm không  thể một mình chống đỡ lại với bão táp ngoài biển khơi được. Trên vùng đầm phá mênh mông, quê hương cả mấy cây số song nước, biết bao hiểm nguy rình rập, con người, nhất là người phụ nữ lại quá nhỏ bé, yếu đuối. Trong cuộc sống, đâu phải lúc nào ta cũng có thể làm những điều ta muốn, đôi khi thay vì đấu tranh để hi sinh thì ta cần phải hòa hoãn, thỏa hiệp và chấp nhận để tồn tại.Chân lý ấy thật xa lạ với những quan niệm cứng nhắc, giản đơn của Đẩu và những lí lẽ nhân văn được tô màu đẹp đẽ của người nghệ sĩ lãng mạn Phùng.Dù khó chấp nhận, dù bất thường nhưng đó là thực tế, ta buộc phải chấp nhận dù đau đớn. Câu chuyện cuộc đời giản đơn của người đàn bà đã khai mở trong Đẩu, đặc biệt là Phùng những suy nghĩ về số phận con người, khiến họ nhận ra sự đơn giản, hời hợt, ngây thơ trong cách nhìn cuộc sống. Cũng trong lời giãi bày thật tình của một người đàn bà ít học, ta thấy cháy lên ánh sáng lấp lánh của trí tuệ nhân dân và sức sống kiên cường của người lao động. Những con người ấy sẵn sàng lao vào phong ba, bão táp để tìm đường sống, sẵn sàng hy sinh và thỏa hiệp để tiến lên. Những vẻ đẹp khuất lấp đó nếu không đến gần, không lắng nghe, không thấu cảm thì con người, nhất là người nghệ sĩ sẽ mãi mãi không bao giờ hiểu được.Như vậy, cái  Đẩu và Phùng thấy chỉ là biểu hiện bên ngoài còn cái người đàn bà thấy là bản chất bên trong. Trong hoàn cảnh ấy, sự công chính của luật pháp, lòng tốt và chính nghĩa là chưa đủ để lí giải bài toán phức tạp về nỗi khổ của con người. Bằng cái nhìn sâu sắc, thấu suốt của người trải qua bao giông tố, người đàn bà hiểu nguyên nhân của mọi sự: đói nghèo sinh ra bạo lực, bạo lực nối tiếp bạo lực lại là nơi bắt đầu của những đói nghèo. Trong cái vòng luẩn quẩn ấy, con người buộc phải chấp nhận cái sự “lạc hậu” để mà tồn tại.           Cũng như bao người phụ nữ khác, người đàn bà hàng chài cũng chỉ là một người mẹ giàu đức hi sinh, giàu lòng yêu thương con cái, một người vợ tình nghĩa, thủy chung giữa cuộc đời cơ cực, luôn chắt chiu những giọt hạnh phúc đời thường để khóa lấp nỗi đau và sự cô đơn. Trong cuộc đời đầy bóng tối và nỗi đau của chị, những giọt hạnh phúc có thể chỉ đếm hết bằng những đầu ngón tay- nó ít ỏi, nhỏ bé và mong manh. Thế nhưng đó lại là những ngày chị được theo anh xuống thuyền, thực hiện thiên chức của người vợ, người mẹ, đó là những giây phút hiếm hoi nhìn đàn con được ăn no sau cả tháng ngày lấp đầy bụng bằng “xương rồng luộc chấm muối”. Ta cảm nhận được ánh mắt ấm áp, nụ cười hiền từ của người mẹ khi nghĩ về những giây phút hạnh phúc ấy sau câu hỏi của Phùng : “ Có khi nào chị thật sự hạnh phúc không?” Có thể với nhiều người, những giây phút ấy chẳng có lí gì, mà nó lại quá ít ỏi và mong manh, nhưng đối với người đàn bà can đảm ấy thì những giây phút hiếm hoi đó lại là tài sản vô giá, là nguồn vui, là động lực.Chỉ cần bấy nhiêu thôi, người mẹ ấy có thể vì con mà chống lại cả thế giới. Vì tình thương con, vì gia đình, một người mẹ bình thường có thể trở nên vĩ đại mà lý lẽ đơn giản ấy Phùng  và Đẩu không thể hiểu được. Càng trải qua đau khổ, càng qua nhiều going bão, người mẹ càng trân quý hơn hạnh phúc đời thường. Như vậy, nhân vật người mẹ làng chài trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của nhà văn Nguyễn Minh Châu là một minh chứng tiêu biểu cho ngạn ngữ phương Tây: “ Người xem con là mục đích đầu tiên cũng là mục đích cuối cùng của  đời mình”.     Qua đó, nhân vật người đàn bà hàng chài không tên, khốn khổ và vô danh giữa cuộc đời trong “ chiếc thuyền ngoài xa”  trở thành biểu tượng đẹp đẽ của người mẹ, người vợ truyền thống, đó cũng là hình ảnh đại diện cho sức sống tiềm tàng, bền bỉ, thách thức số phận của con người. Cuộc đời người đàn bà như cuộc đời của một con trai biển, bị vùi lấp dưới tầng sâu bùn đất, chịu nép sau hốc đá, thân phủ kín rêu nhưng vẫn kiên trì bám trụ, nhẫn nại cố gắng, chịu đựng đớn đau mà bao phủ lấy hạt cát trong mình, dùng tình yêu biến hạt cát biến thành viên ngọc trai sáng lấp lánh. Với cái nhìn nhân ái và thấu cảm, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã tìm ra những viên ngọc quý giá ấy, trân trọng, nâng niu mà đem phơi nó dưới ánh sáng của sự thật. Qua hình ảnh người đàn bà hàng chài, Minh Châu đã gửi gắm những khám phá, phát hiện sâu sắc, đa diện về cuộc sống và con người, đồng thời là minh chứng rõ nét trong quan điểm sáng tác của nhà văn: “ nghệ thuật và đời sống phải là những đường tròn đồng tâm mà tâm điểm chính là con người”. Qua đoạn trích, Nguyễn Minh Châu đã thành công trong việc xử dụng nghệ thuật đối lập. Một bên là người đàn bà phi thẩm mĩ và xấu xí, một bên là vẻ đáng thương và phẩm chất bên trong của con người đáng trân trọng. Người đàn bà làng chài ấy là người có cốt cách bên trong: thấu hiểu lẽ đời, giàu đức hi sinh và lòng vị tha, thương chồng và thương đàn con nheo nhóc, sẵn sàng hi sinh bản thân về hạnh phúc, no ấm cho chồng, cho con. Qua hình ảnh người đàn bà làng chài chúng ta thấy người phụ nữ Việt Nam cho dù trong hoàn cảnh nào thì vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Á Đông. Dù vẻ ngoài không được xinh đẹp nhưng trong họ luôn chúa đựng những  phẩm chất cao quý. Luôn nghĩ tới gia đình của mình, sẵn sàng hi sinh mọi thứ để giữ gìn và chăm sóc gia đình hạnh phúc. Từ câu chuyện về một bức ảnh nghệ thuật và sự thật cuộc đời đằng sau bức ảnh, truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa”đã mang đến cho chúng ta một bài học quý giá và đúng đắn về cách nhìn nhận cuộc sống và con người: cần có cách nhìn đa diện, nhiều chiều, khám phá đúng bản chất chứ không thể đánh giá con người, sự vật qua vẻ bềngoài của nó, đồng thời thể hiện niềm tin và sự trân trọng vẻ đẹp tâm hồn con người. Qua đó, Nguyễn Minh Châu đã xây dựng tình huống truyện nhận thức sâu sắc, hình ảnh biểu trưng “chiếc thuyền ngoài xa” đó là vẻ đẹp lãng mạn của nghệ thuật, là ẩn dụ cho kiếp người đơn độc, lênh đênh trên biển lớn cuộc đời. Ngôn ngữ truyện chân thực, triết lý, thể hiện rõ tính cách nhân vật. Hình ảnh sáng tạo, chi tiết đặc sắc, giàu ý nghĩa. Giọng điệu đa dạng, phong phú, hấp dẫn người đọc. Sê-khốp từng cho rằng: “Một nghệ sĩ chân chính phải là một nhà nhân đạo từ trong tủy cốt”. Ý kiến trên khẳng định rằng trong thế giới văn chương đa sắc màu, vị trí của một nhà văn không chỉ được xác lập bởi tài năng mà còn bởi những nỗi niềm trắc ẩn sâu sắc của “người cầm bút” với cuộc đời và con người. Giá trị nhân đạo được hiểu là một trong những giá trị cơ bản của tác phẩm văn học được tạo nên bởi niềm cảm thông sâu sắc của nhà văn với nỗi đau của những con người, những cảnh đời bất hạnh trong cuộc sống. Đồng thời, nhà văn còn thể hiện sự nâng niu, trân trọng những nét đẹp trong tâm hồn và niềm tin khả năng vươn dậy của con người dù trong hoàn cảnh nào.Thông qua nhân vật “người đàn bà hàng chài” trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa”, người nghệ sĩchân chính –Minh Châu đã lắng nghe những vang vọng đời sống để lắng đọng, để cảm nhận, để trân trọng và thấu hiểu. Đó là sự đồng cảm của nhà văn đối với cuộc đời người lao động sau chiến tranh, Minh Châu cảm thương cho số phận bất hạnh của người đàn bà hàng chài, đồng thời thể hiện nỗi lo âu, khắc khoải về tình trạng nghèo cực, tối tăm của con người. Nhà văn lên án thói bạo hành trong cuộc sống gia đình đang diễn ra trong xã hội, phê phán, lên án hành động vũ phu thô bạo của người chồng trong cách đối xử với vợ, con. Bên cạnh đó, tác giả ngợi ca vẻ đẹp khuất lấp của người đàn bà hàng chài và đặt niềm tin vào phẩm chất tốt đẹp của chị.Đó là vẻ đẹp của lòng vị tha, sự thấu hiểu lẽ đời và tình mẫu tử sâu nặng.  Như vậy, Chiếc thuyền ngoài xa là một tác phẩm văn học xuất sắc của Nguyễn Minh Châu, để lại cho chúng ta những bài học quý giá về triết lý nhân sinh của cuộc đời, biết đồng cảm, sẽ chia với những mảnh đời khốn khó. Từ tình huống truyện có ý nghĩa như một nút thắt để người đọc khám phá về sự thật cuộc đời.Nhà văn cũng như “thư ký của thời đại”, phải có trách nhiệm tái hiện cuộc sống trong ngòi bút nghệ thuật của mình.           Lê Đạt từng nhận xét: “Mỗi con người có một dạng vân tay Mỗi nhà văn có một dạng vân chữ không trộn lẫn” Ý kiến trên khẳng định phong cách nghệ thuật độc đáo và riêng biệt của nhà văn trong nền văn chương muôn màu sắc. Với tư cách là một nhà văn, Nguyễn Minh Châu đã cho chúng ta thấy “một  dạng vân chữ không trộn lẫn đó” thông qua giá trị nội dung và nghệ thuật trong tác phẩm “ Chiếc thuyền ngoài xa”, đặc biệt là trong cách  xây dựng tình huống truyện khéo léo, lời văn trần thuật giàu xúc cảm, giàu chất tạo hình của người người đàn bà vị tha, độ lượng, thấu hiểu lẽ đời, giàu đức hi sinh và tình yêu thương con tại tòa án huyện.      

Đọc tiếp
zalo

Đăng ký sách

Mật khẩu của bạn được mã hóa. Ngoại trừ bạn, không ai có thể biết được mật khẩu của bạn.

Đăng ký khóa học

messenger
08985 888 22